Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
1790 người đã bình chọn
1349 người đang online

ĐỀN THỜ TRẦN HƯNG ĐẠO

Đăng ngày 03 - 02 - 2017
100%

Ở làng Thổ Khối xã Hà Dương, huyện Hà Trung, Tỉnh thanh Hóa hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn đền thờ Đức Thánh Trần ( tức đền thờ Trần Hưng Đạo). Toàn bộ kiến trúc còn lại của ngôi đền hiện nay là kiến trúc Nguyễn. Theo tấm bia đá còn lại, chúng ta được biết chính xác là ngôi đền đã được trùng tu và hoàn chỉnh vào năm Tự Đức thứ 3(1850). Còn theo truyền thuyết dân gian thì Đền đức Thánh Trần có từ rất xưa, lúc đầu còn lợp bằng cỏ tranh. Đền Trần là di tích lịch sử văn hóa “bảo tàng sống” về văn hóa dân gian, một nét văn hóa độc đáo ở Xứ Thanh đang được bảo lưu gìn giữ. Lễ hội Khai ấn được tổ chức tại Đền Trần không chỉ có giá trị nghiên cứu trên nhiều phương diện mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong và ngoài huyện, là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách gần xa.

Du khách từ thành phố Thanh Hóa đi theo hướng Hà Nội hơn 30 km, đến Cầu Cừ, nhìn về hướng đông sẽ thấy một ngôi đền cổ kính rợp tán cổ thụ soi bóng dòng sông Tống Giang, đó là đền thờ Trần Hưng Đạo thuộc làng Thổ Khối   xã Hà Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.


Đền Thổ Khối lúc nguyên sơ

Đôi nét lịch sử về Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn

Mặc dù bị thất bại trong lần xâm lược thứ nhất (1-1258), quân Nguyên - Mông vẫn chưa từ bỏ dã tâm xâm lược Đại Việt. Năm 1285, nhà Nguyên cử 50 vạn quân chia làm 3 đường ào ạt tiến vào phía bắc và vùng Thanh Hóa, Nghệ An, quyết tâm xâm lược nước ta lần thứ hai. Quân và dân nhà Trần đồng lòng chống xâm lược, nhưng những trận đánh chặn ở biên giới của nhà Trần đều thất bại, quân ta bị nhiều tổn thất. Trước thế giặc mạnh như vũ bão, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã đưa vua Trần Nhân Tông, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông cùng hoàng gia và binh lính rút lui chiến lược vào Thanh Hóa phòng ngự để đảm bảo an toàn lực lượng và chờ cơ hội phản công địch. Từ Thăng Long, đoàn hộ giá theo đường thủy xuôi về phía nam. Đến cửa Thần Phù đoàn theo sông Hoạt giang tiến sâu vào nội địa và dừng chân ở vùng đất cận thủy, cận giang: Làng Thổ Khối, huyện Tống Giang thuộc phủ Thanh Hoa. Thổ Khối có địa thế chiến lược hiểm yếu. Phía bắc có dãy Tam Điệp án ngữ. Phía tây và phía nam đồi núi điệp trùng, lại là nơi hợp lưu của sông Tống Giang, sông Hoạt và sông Lũng Khê. Từ đây có thể đi ra biển bằng sông Càn qua cửa Lạch Quèn hoặc sông Nga Giang ra cửa Bạch Câu qua sông Lũng Khê và Chiếu Bạch.

Làng Thổ Khối, huyện Tống Giang thuộc phủ Thanh Hoa đã vinh dự được Đức Quốc Công Tiết chế chọn làm nơi dừng chân cho hai vua cùng bộ chỉ huy, và trở thành tổng hành dinh của cuộc kháng chiến. Để rồi sau hơn một tháng củng cố lực lượng, tháng 5 năm 1285 Hưng Đạo Vương đã quyết định tiến quân ra bắc phối hợp cùng các đạo quân khác đánh tan quân địch ở Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Bạch Đằng, quét sạch quân Nguyên - Mông ra khỏi bờ cõi, lập nên chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý niên hiệu Hưng Long năm thứ 8 (1300), Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn bệnh nặng qua đời. Để tưởng nhớ công ơn của vị anh hùng dân tộc, nhân dân làng Thổ Khối đã lập đền thờ ngài.

Theo tấm bia đá còn lại trong đền thì ngôi đền hiện nay (ngoài một số hạng mục mới tôn tạo vài năm lại đây) được trùng tu hoàn chỉnh vào năm Canh Tuất, Tự Đức thứ 3 (1850), bởi vậy, kiến trúc của đền là kiến trúc thời Nguyễn.

Đền thờ Trần Hưng Đạo

Đền thờ Trần Hưng Đạo nhìn về hướng nam, gồm có tòa Tiền đường là một ngôi nhà 3 gian hai chái, mái lợp ngói. Phía trong là Chính tẩm (hậu cung). Toàn bộ ngôi nhà được bố cục theo kiểu chữ đinh. Trước nhà tiền đường là Bái đường (sân chầu) có chiều dài 26m, rộng 23m. Phía bên ngoài sân Bái đường là bức bình phong và ngoài cùng là giếng nước và cây đa cổ thụ.

Về nghệ thuật kiến trúc của đền, đáng chú ý ở đây là hệ thống vì kèo gỗ được làm theo lối kiến trúc cổ đã có sự cách tân. Toàn bộ hệ thống kiến trúc được làm theo kiểu cuốn vòm. Do vậy, các hàng cột gỗ đã được thay thế bằng cột trụ xây gạch. Duy chỉ có 2 bộ vì kèo ở 2 chái của nhà Tiền đường được làm bằng gỗ theo kiểu trốn cột quân. Mái được lợp bằng ngói mũi. Ở gian giữa của tòa Tiền đường, phần nóc nhà được tạo thêm một tầng mái thứ 2 theo dáng mái cong giống như một vọng lâu. Trên nóc được trang trí hình nạm phù đội nậm rượu, các đầu đao của mái uốn cong tạo nên sự uyển chuyển, duyên dáng và bề thế của kiến trúc.


Đền thờ Trần Hưng Đạo

Hậu cung (chính tẩm) được chia thành 4 cung, trong cùng là cung cấm, nơi đặt long ngai và bài vị của Đức Thánh Trần. Phần ngăn cách và chia giữa các gian là hai hàng cột trụ được xây bằng gạch. Hai bên có lối ra vào cung. Bờ nóc nhà chính tẩm được trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt. Cũng giống như tiền đường, phần trần nhà của hậu cung cũng được cấu trúc theo kiểu cuốn vòm, mái lợp bằng ngói mũi.

Hiện tại, đền còn lưu giữ được một số hiện vật cổ như: Long ngai, bài vị, bát hương đá, mũ thờ, kiếm… đặc biệt là chiếc ấn cổ được truyền từ đời này sang đời khác. Trong các năm 1988-1992, nhân dân địa phương và khách thập phương đã quyên góp trùng tu toàn bộ ngôi đền. Đến năm 1995, Nhà đền tiến hành đúc Thánh tượng và đúc một chuông bằng đồng. Thánh tượng được lấy nguyên mẫu từ pho tượng Đức Thánh Trần ở đền Thiên Trường (Nam Định).

Năm 1997, người dân lại cung tiến pho tượng Đức thánh được tạc bằng gỗ mít đặt tại cung đệ nhị và 3 pho tượng Thánh Mẫu (tam tòa Thánh Mẫu) được thờ tại ban thờ phía hữu tòa nhà trung đường và một pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát thờ tại ban thờ phía tả nhà trung đường. Hai bên tả, hữu tòa trung đường còn có 2 pho tượng: một là tướng quân Phạm Ngũ Lão thờ ở phía tả và một pho tượng hoàng triều tướng quân Nguyễn Quyên thờ ở phía hữu (do nhân dân cung tiến năm 1998). Đây là hai vị tướng có công lớn trong việc phò Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương đánh thắng quân Nguyên.

Năm 2006, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, nhà Tiền đường đã được tôn tạo bề thế, phỏng kiến trúc truyền thống, chủ yếu bằng chất liệu bê tông giả gỗ, mái lợp ngói, đầu đao uốn lượn, bò nóc lưỡng long chầu nguyệt, các cửa võng và các bức hoành phi, câu đối đều được sơn son thếp vàng. Nhân dịp này, nhân dân thập phương cung tiến một pho tượng Đức Thánh bằng gỗ mít và 2 pho tượng hộ pháp thờ tại chính điện tòa nhà tiền đường. Ngoài ra, người dân cũng đã cung tiến nhiều đồ thờ như: Bát hương đồng; Tam sự, Ngũ sự bằng đồng, khán Tượng; chấp kích, bát bảo...

 Năm 1996, đền thờ Trần Hưng Đạo được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Ở tỉnh Thanh, đền thờ Trần Hưng Đạo được coi là đền chính, vì là nơi Ngài đã từng đến và lưu lại dấu tích như đã nói ở trên, trong khi các đền khác chỉ là thờ vọng.  

Lễ hội khai ấn Đền Trần, làng Thổ Khối

Hàng năm, theo thông lệ, Lễ hội chính Đền Trần được tổ chức vào các ngày 19, 20, 21 tháng 8 âm lịch. Lễ hội Đền Trần nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ông cha ta ở thời Trần. Mặt khác, phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” động viên các tầng lớp nhân dân địa phương phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

 Cũng như nhiều lễ hội khác của Xứ Thanh, lễ hội Khai ấn Đền Trần ở Hà Dương được tổ chức vào đêm 14 Tháng Giêng theo nghi lễ truyền thống, với hai phần: Lễ và Hội. Trước khi vào lễ chính, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, múa rồng, múa lân diễn ra thu hút đông đảo thanh thiếu niên trong vùng, làm cho không khí vào hội trở nên tưng bừng, nhộn nhịp... tiếp đến là các chương trình biểu diễn văn nghệ đặc sắc được lựa chọn từ các câu lạc bộ của các làng văn hóa đến tham gia giao lưu với nhau trước đông đảo khán giả, càng làm cho không khí đêm hội thêm náo nhiệt, để rồi vào khoảng 10 giờ đêm kết thúc trong cảm giác háo hức, bâng khuâng...

Giờ Khai ấn được thực hiện vào đúng 12 giờ đêm. Trước đó 15 phút, tại cung cấm (nơi đặt tượng Đức Thánh Trần), ban tổ chức chuẩn bị các điều kiện để tiến hành nghi lễ khai ấn. Ngay sau đó là lễ dâng sớ được thực hiện. Những người tham gia nghi lễ trong trang phục lễ hội chỉnh tề. Lễ dâng sớ gồm một mâm cỗ chín (có xôi, thủ lợn (hoặc) gà), mâm lễ chay gồm: hương, hoa, đăng, trà, quả, thực...

Sau khi ổn định tổ chức, chủ lễ là vị đại diện cho chính quyền xã trang trọng đọc lời khai mạc, giới thiệu đại biểu, nội dung buổi lễ và chúc phúc, cảm ơn quý khách gần xa đã tới dự lễ. Đội hành lễ từ từ đi vào tiền đường, qua trung đường và dừng lại với lòng thành kính trang nghiêm để dâng sớ lên Đức Thánh Trần ngự ở Hậu cung. Vị đại diện chính quyền địa phương mời đại diện lãnh đạo các đoàn đại biểu của tỉnh, của huyện, của xã và một cụ cao niên của làng tham gia khai ấn tại cung cấm. Ông trưởng Ban Thường trực đền vào cung cấm khai ấn. Mỗi vị đại diện chỉ đóng một lá ấn. Các lá ấn được đóng xong và bỏ vào hòm đựng ấn. Ban Thường trực đền tiến hành rước ấn ra cung tiền đường đóng ấn và khấn tấu. Ra khỏi cung cấm, hai ông trong trang phục áo the, khăn xếp trên tay nâng một bát hương đi trước, một ông nâng hòm đựng ấn đi sau, tiếp theo là đại diện các đoàn đại biểu dự lễ, các thành viên khác (lễ khai ấn tại cung cấm được diễn ra trong điệu nhạc lưu thủy, hành văn, nhạc dâng hương...nổi lên rộn rã cho đến khi ấn được rước ra đặt tại cung tiền đường). Địa phương cử ra một người đọc chúc văn. Ấn được đặt tại vị trí trang trọng tại cung tiền đường, nhà đền bắt đầu nghi lễ dâng sớ khai ấn trong giọng đọc chúc văn vang lên trầm, ấm...Sau bài phát biểu của vị đại diện cho cấp ủy địa phương, ban tổ chức mời đại biểu lên dâng hương. Sau lễ dâng hương, ban tổ chức tiến hành phát ấn cho đại biểu.






Một số hình ảnh trong lễ khai ấn.

Tiếp đó, nhân dân và du khách có mặt tại buổi lễ lần lượt dâng hương và được ban tổ chức phát lá ấn. Lễ phát ấn được tiến hành trong đêm 14 và đến hết ngày Rằm Tháng Giêng. Ai đến dự lễ, nét mặt đều vui vẻ, rạng rỡ vì có được một lá ấn để cầu tài, cầu lộc, cầu may đầu xuân và cả năm mọi việc đều tốt đẹp.

Sau lễ phát ấn, các đội tế (vũ công, nhạc công) trong trang phục sắc tộc tiến hành nghi lễ: tế dâng hương, dâng hoa, dâng rượu,...Đêm lung linh ánh điện, rực rỡ sắc mầu, những điệu múa uyển chuyển hòa quyện với âm thanh rộn rã, tưng bừng, du khách như được đắm mình vào thế giới huyền ảo, vẳng bên tai tiếng vó ngựa hý, tiếng hô đồng thanh "Sát thát" (giết giặc Nguyên -Mông)-hào khí “Đông A”- nhà Trần cách đây hơn bảy thế kỷ vọng về đêm hội.

Tiếp đó là phần lễ do các nam thanh, nữ tú được dân làng Cao lũng, Đoài thôn, Đông thôn, Thổ Khối cử ra thực hiện. Mỗi làng dâng lên hai mâm cỗ (một mâm lễ chín, một mâm lễ chay) thật thịnh soạn. Những người được cử vào đội dâng lễ, ai nấy đều vui mừng, trang trọng, tỏ lòng thành kính dâng lên Đức Thánh Trần những món “sơn hào, hải vị” để tri ân công đức của ngài trong ngày hội lớn đầy ắp niềm vui, tiếng cười.

Những ngày sau đó, người trong làng, ngoài xã đến với Lễ hội khai ấn Đền Trần đông nườm nượp. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, diễn xướng, rước nước, đua thuyền trên sông Tống...tiếp tục diễn ra ở nhiều điểm khác nhau trong xã làm cho đời sống văn hóa ở địa phương thêm phong phú, thi vị, đầy ý nghĩa...




các hoạt động văn hóa văn nghệ

Đầu tư trùng tu tôn tạo Đền Thờ Trần Hưng Đạo

Quần thể Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Trần Hưng Đạo được xây dựng trên khuôn viên hơn 3ha, tại làng Thổ Khối, xã Hà Dương, với tổng số vốn đầu tư hơn 27,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện Hà Trung và các nguồn vốn xã hội hóa khác, bao gồm các hạng mục công trình như: Cổng Đền, giếng đền, nhà thờ Mẫu, khu Chính điện và hệ thống khuôn viên cây xanh quanh đền thờ.

 Việc khởi công xây dựng Đền thờ Đức Thánh Trần không chỉ tôn vinh vị tướng văn, võ song toàn triều Trần ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, mà còn góp phần tôn vinh các giá trị lịch sử văn hóa mà cha ông để lại, giáo dục cho thế hệ sau về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông.




khởi công trùng tu xây dựng Đền Trần

Hơn bảy trăm năm đã trôi qua kể từ ngày Đức thánh về trời, cũng từng ấy thời gian Đền Thổ Khối soi bóng Hoạt Giang... Dù là mái lá, cột tre, dù là tòa cao lộng lẫy... đều tạo nên một không gian linh thiêng mà gần gũi, cổ kính và uy nghiêm. Cận giang cận thủy, nơi thờ tự mà cảnh trí hữu tình, thật ít nơi có được... Bởi vậy mà chẳng những chỉ xuân thu nhị kỳ mà quanh năm, nơi đây đều nghi ngút khói hương. Mỗi tuần sóc vọng đều nườm nượp khách thập phương chiêm bái để tưởng nhớ công ơn Người anh hùng dân tộc, đã đánh thắng kẻ thù hung bạo mạnh nhất thế giới ở thế kỷ XIII, được cả thế giới khâm phục, ngưỡng vọng. Lễ hội Đền Trần - di tích lịch sử văn hóa “bảo tàng sống” về văn hóa dân gian, một nét văn hóa độc đáo ở Xứ Thanh đang được bảo lưu gìn giữ, Đền Trần là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách gần xa.

<

Tin mới nhất

Mốc son Đò Lèn Chiến thắng(03/04/2024 8:49 CH)

Hà Lai 3 cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản(02/04/2024 3:43 CH)

UBND huyện tập huấn công tác quản lý Nhà nước về di sản và trình tự thủ tục bảo quản, tu bổ, phục...(11/12/2023 5:14 CH)

Hà Bình: Các di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn, phát huy giá trị(14/09/2023 4:27 CH)

Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Đền thờ Lại Thế Khanh, xã Hà Giang(24/10/2022 3:51 CH)

Chùa Long Cảm - Điểm du lịch văn hóa tâm linh độc đáo(12/11/2018 7:52 SA)

Đình làng Đình Trung Di tích lịch sử cấp quốc Gia(08/11/2018 7:55 SA)

Đình Động Bồng, xã Hà Tiến: Di tích lịch sử cấp Quốc Gia.(07/11/2018 9:19 SA)

°