Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
1790 người đã bình chọn
589 người đang online

Đình Động Bồng, xã Hà Tiến: Di tích lịch sử cấp Quốc Gia.

Đăng ngày 07 - 11 - 2018
100%

Hà Trung vốn nổi tiếng là "Đình huyện Tống", Đình nhiều và lớn. Làng Động Bồng, xã Hà Tiến, cũng có ngôi Đình to, nổi tiếng ở trong vùng là Đình Động Bồng, được xây dựng đời vua Gia Long thứ 10 (1812), là một trong những ngôi đình thời Nguyễn, chiếm một vị trí quan trọng trong nền kiến trúc cổ xứ Thanh. Xưa kia, ngôi Đình tựa như một đóa sen khổng lồ, in bóng xuống mặt nước xanh trong, hòa với cảnh sắc núi non nhấp nhô giữa mênh mông cánh đồng cò bay mỏi cánh. Đình Động Bồng, xã Hà Tiến được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc Gia năm 2001. Đình làng Động Bồng thờ hai thành hoàng làng là Tô Hiến Thành và Tống Quốc công.


Đình Đồng Bồng xã Hà Tiến

Có thể nói ngoài dáng vẻ hoành tráng về hình thể, không gian mặt bằng có diện tích sử dụng của tòa Đại đình là 480m2 theo hình chữ nhất (-), ngoài ra còn có sân đình 504mvà ao đình là 25000m2.





Nghệ thuật kiến trúc của đình

Trên tổng thể đình cấu trúc 5 gian, 2 chái và 36 cột trụ (được làm bằng loại gỗ tứ thiết), được bố trí thành 4 hàng gồm 12 cột lớn (đường kính 0,62m) và 20 cột quân (đường kính 0,60m). Ngoài ra, còn 4 cột ở hai đầu chái nối với cột lớn bằng hệ thống kèo để tạo nên gian trái. Ở mái hiên trước có 4 cột lớn làm bằng đá trắng để đỡ cái kẻ bẩy và tàu lá mái. Những cột đá này được tạo tác tròn có những đường chạm dọc theo chân cột và được đặt trên chân tảng đế vuông. Ở mái hiên sau, để đỡ các đầu kẻ bẩy là các cột trụ vuông xây bằng gạch.

 Kiến trúc đình theo kiểu mái cong, gồm 4 mái. Kiểu thức kiến trúc này làm cho ngôi đình được nâng lên thanh thoát nhẹ nhàng, cảm giác như bay bổng. Đặc biệt, những trang trí trên mái của ngôi đình đã tạo nên cho kiến trúc hòa quyện nhịp nhàng với cây cỏ hoa lá, các con vật trong thế giới thiên nhiên bao quanh. Bốn góc đao của đình uốn cong duyên dáng như một bông hoa tươi tắn. Đóa nào cũng lớn, cánh mềm mại màu sắc rực tươi. Hình tượng con rồng trên các đầu đao cong vút lên, bờm tóc lởm chởm, gợi cảm giác như bay lên rất phù hợp với thế chung của kiến trúc. Lớp ngói mũi hài có hình trang trí ở cả hai mặt xếp chồng lên hài hào đẹp mắt. Trang trí diềm mái được chạm khắc hình chiếc lá ba chẽ, mô típ lá nho. Trên bờ nóc , bờ dải, đầu kìm của mái cong được trang trí các linh vật như hình con sấu, hình đầu rồng…tạo nên sự hòa quện một cách hợp lý làm cho mái đình càng thêm đẹp đẽ.

Về bố cục, kiến trúc bên trong được chia thành hai phần chính: vì chính là vì kèo mái diêm.

Kết cấu vì kèo chính gồm 6 vì giống nhau hoàn toàn về kiểu liên kết, chủ yếu là theo lối “chồng rường”. Các con rường nằm ngang được tạo tác giống nhau và được ăn mộng vào những cột trốn. Những cột trốn này được kết hình nghệ thuật hóa thành những hình nậm rượu, chúng chỉ khác nhau về kích thước, to ở phía dưới và nhỏ dần về phía trên theo chiều cao của mái đình.

Cấu tạo vì kèo là một bộ khung gỗ hình chữ nhật gồm 4 hàng chân cột, hai hàng cột lớn và hai hàng cột quân. Chức năng của cột lớn là để cho quá giang ăn mộng vào hai đầu. Cột cái được làm bằng loại gỗ tứ thiết, kích thước lớn đường kính rộng tới 42cm, hệ thống cột đình còn tương đối nguyên vẹn, to đẹp, hiếm thấy trong hệ thống đình chùa ở khu IV cũ. Còn hai hàng cột quân ở hiên trước và hiên sau liên kết với kẻ bẩy để tạo ra hiên mái ở cả hai phía trước và sau. Riêng ở mái hiên trước, kẻ bẩy vươn qua không gian hiên ăn mộng vào đầu cột quân để cho nghé kẻ thêm phần chắc chắn ở điểm nối giữa xà nách và xà con, tạo cho phần “kẻ nối” ở mái hiên vững chắc hơn.

Ở bộ vì nóc (mái trên) về cơ bản được cấu trúc hoàn toàn giống nhau về kiểu kết cấu như: các con rường, những cột trốn và quá giang. Kết cấu này chủ yếu theo kiểu “chồng rường”. Trên đầu họng nằm ngang của hai cột lớn là quá giang. Phía trên quá giang là hai cột trốn được kết hình nghệ thuật hóa thành những nậm rượu ăn mộng vào thân quá giang. Ở đầu của những cột trốn này cũng được bổ mộng để gắn câu đầu vào. Liên tiếp là hai câu đầu. Ở đây các con rường không chỉ gác lên nhau qua đấu mà còn được liên kết bởi các trụ trốn. Các trụ trốn ăn mộng xuyên qua đầu các con rường, vươn lên đỡ hoành mái. Phần chân của các trụ trốn mang tư cách đấu để kê cao các con rường. Con rường trên cùng ngắn nhất là nơi đứng chân của một trụ trốn chống thẳng vào thượng lương. Để nối các vì kèo lại với nhau trong một tổng thể thống nhất của một ngôi đình là hệ thống các hàng xà dọc.

Nhìn chung, trên một vì kèo, kết cấu kiến trúc tuân theo một quy luật đăng đối. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó chưa phải là tuyệt đối trong sự biến thể của hệ thống vì nóc “kiểu chồng rường”. Ngoài tính chất tạo sự vui mắt mang tính nghệ thuật mà các trụ trốn được tạo tác theo hình nậm rượu với cả một hệ thống trụ trốn cao, thấp, to nhỏ nối nhau thì chúng còn chứa đựng một sự khỏe mạnh chắc chắn để phối hợp với những yếu tố khác nhau trong một bộ vì nóc…tạo nên sự mở rộng không gian sử dụng của kiến trúc ngôi đình.

Đình Động Bồng – một công trình tiêu biểu cho thức kiến trúc thời Nguyễn – một phần quan trọng trong đồ án của nghệ nhân ngày xưa tạo nên, nhưng phần còn lại là do sức đóng góp của điêu khắc ở trên các mặt tiền, mặt hậu, đặc biệt là kiểu liên kết vì kèo điển hình trong một cảnh quan làng mạc, sông núi đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả bố trí không gian bên trong và kết cấu hình khối bên ngoài của công trình lên tầm cao về tư tưởng

Động Bồng làng quê nhỏ bé nhưng lại có nhiều lễ tục, lễ hội đặc sắc, một trong số đó là tục đốt đình liệu vào đêm 30 tết, lễ tục này hiện nay ở tỉnh Thanh không có địa phương nào còn lưu giữ.

Để đốt đình liệu vào thời khắc giao thừa, hàng năm vào tháng chạp dân làng cử trai tráng lên núi Ba Trạc, Bái Bò, Đầu Voi... tìm cây đóm, loại cây có dầu rất dễ bắt lửa cháy và chọn những đoạn cây vừa chắc vừa dẻo làm đòn gánh bó đóm lại đưa về. Đợi cho đóm thật khô mới thu lại để chuẩn bị cho việc kết, bó, tạo dáng đình liệu, một con rồng lớn.


Sau khi tiễn táo quân lên trời, vào ngày 25 tháng chạp, theo hướng dẫn của các bậc cao niên, trai tráng gom những cây đóm đã khô kết thành đình liệu có đường kính 65cm, chiều dài 25m, rồi đem đặt vào tòa đại đình. Sau ngày 25, các cụ trông coi đình không cho ai được đến gần đình liệu. Cũng vào cuối tháng chạp, trai tráng trong làng được phân công vào núi cấm trước làng lấy củi khô đem về đình đốt lửa trong suốt mấy ngày tết. Theo quy ước, mỗi năm chỉ một lần được phép vào núi thu gom những cành cây và gốc củi khô để giữ lửa thiêng, không được chặt cây, phá cành. Chiều 30 tết, trai làng chia số người ra hai bên đều nhau, dùng những chiếc đòn kê đều tay chuyển đình liệu từ trong đình ra giữa sân đình. Sau đó dùng đòn kê dựng đứng néo lại hướng cho cho đầu rồng vươn lên cao rồi uốn khúc hạ thấp dần về phía sau. Trong ánh chiều buông, sắp đến đêm trừ tịch nổi trên sân đình một con rồng khổng lồ vừa hiền lành, vừa oai vệ vươn lên nền trời cao, dồn sức lực, đợi chờ giờ khắc thiêng liêng đến.

Sau khi con rồng được đưa tới vị trí đã định, mọi người trở về nhà làm lễ tất niên, sau đó trở lại đình và mang theo một bó đóm nhỏ, háo hức đợi chờ giao thừa đến. Trước khi đốt đình liệu, ở sân đình, dân làng tổ chức tế lễ, kính cáo trời đất, thần linh sông núi về dự lễ, tiếp đó trong hậu cung các cụ cao niên làm lễ tâu với thành hoàng xin ngài cho phép dân làng rước lửa đốt đình liệu đón chào năm mới.

Khi lửa được rước ra từ hậu cung cũng là lúc tiếng trống cái nổi lên dóng dả trầm hùng, tiếng chiêng điểm nhịp, dàn trống con cùng lúc đổ dồn tấu lên giai điệu lễ rước lửa theo nhịp bước rộn ràng làm cho cả sân đình sôi động. Ai cũng mong được đứng gần đình liệu, được thấy rõ ngọn lửa đầu tiên từ đầu rồng bùng cháy. Rồi thời khắc giao thừa cũng đến, bùi nhùi làm râu và bờm rồng cùng với đuốc khô bén lửa cháy bùng lên. Muôn tiếng hò reo sung sướng, tiếng trống cùng lúc đổ dồn từ sân đình vọng vang, từ các làng bên vọng tới, âm thanh từ các vách đá, hang động vọng về làm cho lòng người thêm rạo rực.

Đình liệu - con rồng khổng lồ bỗng chốc hóa thân thành ngọn đuốc rừng rực cháy sáng, rồi tan biến vào vũ trụ mênh mang, hóa nên mưa nhuần tưới tràn mặt đất trong tiết xuân ấm áp, khiến vạn vật sinh sôi, ấm no hạnh phúc đến với muôn người. Trong thời khắc giao hoan giữa trời và đất, con người với thần linh, ánh lửa đình liệu thiêng liêng bừng soi những nét mặt rạng ngời, hân hoan mãn nguyện. Từ trong ánh lửa rừng rực cháy họ thầm mong ước và hy vọng ánh sáng sẽ xua đi sự âm u lạnh lẽo, sự nghèo khó gian nan, họ cầu mong ánh sáng sẽ đem đến cho họ một cuộc sống đủ đầy, ấm no hạnh phúc.

Sau khi chứng kiến lễ đốt đình liệu ở đình, mọi người châm những bó đuốc mang theo lấy lửa rước điều may mắn đem về. Tới nhà, họ long trọng thắp hương từ nguồn lửa ấy để cáo tế với thổ công, gia tiên và sau đó nhóm bếp làm đồ cúng đầu năm và giữ lửa trong suốt những ngày tết. Từ ngọn lửa ở sân đình tỏa về các gia đình trong thôn có hàng trăm ngọn lửa nhỏ lung linh cháy sáng. Đêm giao thừa cả Động Bồng như một hội hoa đăng, mỗi ngọn đuốc như một vì tinh tú từ mặt đất rọi lên không trung, từ trời cao chiếu tràn mặt đất, làm cho cả một vùng lấp lánh ánh sáng chụm lại rồi tỏa ra, thắp lên trong lòng người, trong mỗi nhà một ánh sáng mới rạng rỡ, thiêng liêng.

Kể từ lúc giao thừa đến lễ hạ nêu (mùng 7 tết), những người trông coi đình và mỗi gia đình phải giữ ngọn lửa thiêng cẩn thận, không bị tắt. Họ tin rằng lửa có màu đỏ, đồng nghĩa với sự may mắn và sáng sủa; giữ được ngọn lửa luôn cháy sáng thì người theo nghiệp khoa cử sẽ thông minh đỗ đạt, nhà nông làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, dân khang vật thịnh. Sau lễ đốt đình liệu, trong những ngày tết tụ họp dưới mái đình, dân làng Động Bồng tổ chức hát ru, hát đúm, hát đối đáp, và các trò chơi dân gian: chơi đu, chọi gà, bơi thuyền… thu hút đông đảo mọi người tham dự.

Đốt đình liệu là lễ tục có từ lâu đời gắn với người Việt cổ ở Động Bồng để tỏ lòng thành kính và biết ơn và sự thiêng hóa của người xưa đối với lửa đã giúp họ sưởi ấm, tìm kiếm cái ăn, xua đi bóng đêm và thú dữ. Lửa đã giúp họ nướng chín thức ăn, nhân lên sức mạnh trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Đốt đình liệu ở Động Bồng có nguồn gốc xa xưa, đó chính là tín ngưỡng thờ thần mặt trời, cầu ánh sáng của cư dân trồng lúa nước, cần có đủ ánh nắng giúp cho cây trồng tươi tốt, con người và vật nuôi sinh sôi nảy nở. Cầu ánh sáng mặt trời cũng là ước vọng trị thủy nhằm hạn chế sức mạnh và sự tàn phá của lũ lụt đối với con người, làng mạc, ruộng đồng.

Đốt đình liệu là mỹ tục độc đáo: cầu may, cầu sự sinh sôi nảy nở, phản ánh nhận thức và tư duy thuần phác của cư dân Việt cổ về các hiện tượng của tự nhiên tác động tới sản xuất và đời sống. Lễ tục đặc sắc này hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, gắn bó các thành viên và cộng đồng làng xã, nhân lên sức mạnh trong mỗi người để làm cho cuộc sống ngày càng ấm no, vui tươi hạnh phúc.

<

Tin mới nhất

Mốc son Đò Lèn Chiến thắng(03/04/2024 8:49 CH)

Hà Lai 3 cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản(02/04/2024 3:43 CH)

UBND huyện tập huấn công tác quản lý Nhà nước về di sản và trình tự thủ tục bảo quản, tu bổ, phục...(11/12/2023 5:14 CH)

Hà Bình: Các di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn, phát huy giá trị(14/09/2023 4:27 CH)

Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Đền thờ Lại Thế Khanh, xã Hà Giang(24/10/2022 3:51 CH)

Chùa Long Cảm - Điểm du lịch văn hóa tâm linh độc đáo(12/11/2018 7:52 SA)

Đình làng Đình Trung Di tích lịch sử cấp quốc Gia(08/11/2018 7:55 SA)

Đình Động Bồng, xã Hà Tiến: Di tích lịch sử cấp Quốc Gia.(07/11/2018 9:19 SA)

°