Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
1790 người đã bình chọn
1205 người đang online

Ly cung nhà Hồ di tích lịch sử cấp quốc gia

Đăng ngày 07 - 11 - 2018
100%

Ly cung nhà Hồ hay còn gọi là Cung Bảo Thanh nằm trên địa bàn thôn Kim Phát, xã Hà Đông, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh hóa. Nằm trong quần thể Di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ. Nhiều hạng mục của khu di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia Ly cung nhà Hồ hiện đã trở thành một phế tích rất cần được bảo vệ, tôn tạo kịp thời.

Nguồn gốc Hồ Quý Ly

Hồ Quý Ly trước có tên là Lê Quý Ly . Ông sinh năm Ất Hợi (1335), quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Đông, huyện Hà TrungThanh Hóa). Đến thời Lý, trong họ có người lấy Nguyệt Đích công chúa, sinh ra Nguyệt Đoan công chúa. Đời cháu thứ 12 của Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, Vĩnh LộcThanh Hóa. Hồ Liêm làm con nuôi của Tuyên úy Lê Huấn rồi lấy họ Lê làm họ của mình. Hồ Quý Ly là cháu 4 đời của Lê Huấn, khi lên làm vua thì đổi lại họ Hồ.

Hồ Quý Ly lấy tên húy Hồ Nhất Nguyên, là vị hoàng đế đầu tiên của nhà nước Đại Ngu trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi vị Hoàng đế từ năm 1400 đến năm 1401, sau đó giữ ngôi Thái thượng hoàng từ năm 1401 đến năm 1407.

Thời niên thiếu Hồ Quý Ly theo học võ, gia nhập chốn quan trường triều Trần sau khi đỗ thi Hương, khoa Hoành từ.  Năm 1372 ông được phong làm Tham mưu quân sự, đến năm 1380, Hồ Quý Ly làm Thống lĩnh quân Đại Việt để chống lại các đợt tấn công của Chiêm Thành. Năm 1387, ông được phong làm Tể tướng. Từ đó ông có quyền lực gần như tuyệt đối trong triều, các tông tộc, quan lại trung thành với họ Trần đã có 2 lần chính biến nhằm lật đổ sự thống trị của Quý Ly nhưng ông đều giành chiến thắng.

Năm 1400, Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, chưa được một năm trao ngôi cho con và làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm đại quyền. Hồ Quý Ly đã có những sự thay đổi về hành chính, kinh tế, quân sự và đã chuyển kinh đô từ Thăng Long về Thanh Hóa.

Dấu tích xưa

Ly cung nhà Hồ, nằm ở Làng Kim Phát, xã Hà Đông, huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Nơi đây từng gắn với tên tuổi của Hồ Quý Ly - một nhân vật lịch sử nối tiếng dưới triều đại nhà Hồ ở nước ta thế kỷ 14. Hồ Quý Ly chính là người đã có công lớn trong việc xây dựng thành nhà Hồ nổi tiếng và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2011.

Theo sử cũ ghi lại, vào những năm 1396 – 1398 nước ta đứng trước nguy cơ bị giặc ngoại xâm lược từ hai đầu đất nước. Phía Bắc thì giặc Minh cho quân đánh chiếm xâm lược bờ cõi. Phía Nam, quân Chiêm Thành cũng có âm mưu thôn tính nước ta.

Lúc này, Hồ Quý Ly đang là một tướng sĩ dưới triều nhà Trần, ông đã đứng ra dùng sách lược mềm mỏng ngoại giao để hoãn binh quân giặc từ hai phía. Trong nước, ông đứng lên dẹp loạn những cuộc nổi dậy của các loạn thần, ông cũng đã tham mưu cho vua tôi nhà Trần rời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa để đảm bảo an toàn lâu dài.


Tấm bia là giá trị duy nhất còn sót lại ở di tích Ly cung nhà Hồ

Khi vào Thanh Hóa, Hồ Quý Ly đã cho xây dựng cung Bảo Thanh (tức Ly cung nhà Hồ) trên một diện tích lớn. Phía trước là khoảng không gian bao la có sự che chắn của các dãy núi nằm bên sông Lèn (nhánh của sông Mã), phía sau dựa mình vào núi cao. Công trình được đầu tư xây dựng công phu giống như một thành Thăng Long thu nhỏ để đón vua Trần vào Thanh Hóa, chuẩn bị cho việc xây dựng kinh đô mới là thành Tây Đô (thành nhà Hồ ngày nay). Những năm tháng này, cung Bảo Thanh trở thành hành dinh chống giặc và nơi đàm luận việc quân cơ của Vua tôi nhà Trần.

Đánh giá được những giá trị to lớn và tầm quan trọng của khu di tích này, Viện khảo cổ học Việt Nam đã nhiều lần vào đây khai quật và tìm thấy nhiều hiện vật có giá trị. Đây là những minh chứng rõ nét về dấu ấn của một cung điện triều đại xưa. Dù di tích không còn nguyên vẹn nhưng vẫn mang ý nghĩa lịch sử to lớn, có giá trị nghệ thuật cao và là tuyệt tác của nền văn hóa Trần - Hồ.Chính vì thế năm 1997, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) đã cấp công nhận Ly cung nhà Hồ là khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.


Giếng Vua có kiến trúc hình vuông, nước trong xanh, mát lành

Đến thời điểm này, chính quyền địa phương tìm thấy 5 chiếc hồ xung quanh khu vực, trong đó có hồ nước đặt tên là Ao Bèo hay còn có tên gọi khác là hồ Sao Sỉa. Theo truyền thuyết, khu vực hồ Sao Sỉa là nơi mà Hồ Quý Ly thao luyện đội quân tinh nhuệ chuyên hoạt động ở những nơi hiểm trở. Cạnh khu vực thao trường, vua Hồ cho đào một giếng khơi (hiện vẫn còn dấu tích miệng giếng) để quân sĩ lấy nước sạch sinh hoạt.

Thế nhưng, đến ngày nay Ao Bèo gần như bị vùi vào quên lãng.

Khi giặc Minh xâm lược nước ta, Ly Cung nhà Hồ bị phá phách, đến giờ chỉ còn tồn tại như một phế tích. Song khi giặc rút đi thì ở cung Bảo Thanh vẫn còn tồn tại hệ thống nền móng vững chắc và ngôi chùa Phong Công, hay còn gọi là chùa Tranh. Năm 1942, GS Hoàng Xuân Hãn, nhân chuyến đi qua vùng Lèn (Hà Trung) đã phát hiện ra phế tích kiến trúc cũ đổ nát. Nhưng phải đến năm 1979, sau nhiều đợt thám sát, giới khảo học mới tìm ra và khẳng định đây chính là Ly Cung nhà Hồ.  Từ đó, trong các năm 1979 - 1985, các nhà khảo cổ tiến hành khai quật làm bốn đợt ở Ly Cung trên diện tích rộng 600m2. Trong đó, ở kiến trúc hoàng cung đã tìm thấy hàng đá xanh bó móng được gia công thành những khối vuông vức, đầu tiếp giáp có lỗ đổ cá bằng chì, liên kết với nhau thành một khối. Bên ngoài hàng đá xanh bó nền là hàng gạch hoa bó vỉa bao quanh, điểm ngoài kế tiếp có hàng gạch bìa xếp đứng. Trên nền chính điện còn sót lại những tảng đá như một minh chứng về sự đồ sộ của Ly Cung. Phần sân điện có bố cục gần vuông, toàn bộ mặt sân lát bằng loại đá phiến với kích thước khá lớn, có điểm gạch hoa bao xung quanh. Đặc biệt giữa nền điện gần về sân điện đã phát hiện được bệ đá hoa sen cực lớn. Bên trong và bên ngoài nền sân điện còn tìm được những hiện vật nghệ thuật đá chạm hoa cúc dây, cánh sen, tượng chó, vịt...

Những kết quả nghiên cứu khảo cổ học có vai trò đặc biệt quan trọng để đánh giá về giá trị của một di tích.

Khu vườn khá vuông vức, thửa đất bằng phẳng, xung quanh còn tồn tại những dấu tích tường đá cũ, khuôn viên, dấu tích đá hiện lên khá quy mô, được quy hoạch và bài trí hợp lý thể hiện sự uy nghi nơi cung đình. Có vườn thượng uyển đang ẩn sâu dưới nền đất khoảng 1m.

Bảo tồn di tích Ly cung Trần - Hồ

Ngày 22/11/2012, tại Ly Cung- Đại Lại, xã Hà Đông, huyện Hà Trung, Liên chi hội di sản văn hóa Việt Nam Lam Kinh, Hội cổ vật Thanh Hoa tổ chức kỷ niệm lần thứ VIII Ngày di sản văn hóa Việt Nam 23/11/2012 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Ly Cung – Quốc đô Trần Hồ”.


Hội di sản văn hóa Việt Nam Lam Kinh, hội cổ vật Thanh Hóa tặng trống đồng cho huyện Hà Trung
Tổ chức kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam tại Ly Cung nhằm tôn vinh những giá trị bất biến mà ông cha ta đã tạo ra và truyền đời trong suốt tiến trình lịch sử; đồng thời nhắc cho hậu thế hiểu biết thêm về truyền thống ngàn xưa của các thế hệ cha ông.
Mặc dù Ly Cung nhà Hồ, cung Bảo Thanh xưa nay đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, tuy nhiên nó lại đang tồn tại như một phế tích. Từ những phát hiện của chính quyền, nhà nghiên cứu và người dân xã Hà Đông, các cấp, ngành từ tỉnh đến trung ương cần sớm quan tâm đầu tư để trùng tu tôn tạo đối với Ly Cung, một minh chứng có dấu ấn đặc biệt quan trọng đối với vương triều Hồ.

<

Tin mới nhất

Mốc son Đò Lèn Chiến thắng(03/04/2024 8:49 CH)

Hà Lai 3 cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản(02/04/2024 3:43 CH)

UBND huyện tập huấn công tác quản lý Nhà nước về di sản và trình tự thủ tục bảo quản, tu bổ, phục...(11/12/2023 5:14 CH)

Hà Bình: Các di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn, phát huy giá trị(14/09/2023 4:27 CH)

Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Đền thờ Lại Thế Khanh, xã Hà Giang(24/10/2022 3:51 CH)

Chùa Long Cảm - Điểm du lịch văn hóa tâm linh độc đáo(12/11/2018 7:52 SA)

Đình làng Đình Trung Di tích lịch sử cấp quốc Gia(08/11/2018 7:55 SA)

Đình Động Bồng, xã Hà Tiến: Di tích lịch sử cấp Quốc Gia.(07/11/2018 9:19 SA)

°