Một lễ hội đặc sắc mang đậm ý nghĩa tín ngưỡng dân gian diễn ra từ ngày 18 đến 29/7/2023 (tức ngày 1/6 đến 12/6 âm lịch) tại xã Hà Sơn - Đó là lễ hội Đền Hàn Sơn, đã và đang thu hút rất đông du khách trong, ngoài tỉnh về lễ hội.

Toàn cảnh Đền Hàn Sơn
Lễ hội Đền Hàn Sơn được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ tới những người có công khai thiên, lập địa vùng đất Hà Trung, tưởng nhớ tới các anh hùng dân tộc có công chống giặc ngoại xâm trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Ngoài ra, tại lễ hội, còn có phần lễ rất tôn nghiêm để tưởng nhớ đến Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Theo truyền thuyết dân gian Việt Nam, Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử” - được tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân”, vì vậy, hầu hết các làng xã và các đô thị ở nước ta đều có đền thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh rất tôn nghiêm.

Du khách đến với lễ hội Hàn Sơn
Đền Hàn (hay còn gọi là Đền Mẫu Đệ tam hoặc là Đệ tam thoải phủ), Đền Ba Bông (Hay còn gọi là Đền Cô Bơ hoặc là Cô Ba thoải phủ) là những di tích lịch sử Văn hóa thuộc xã Hà Sơn được xây dựng cách đây trên 500 năm, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của thời gian, di tích Đền Hàn và Đền Ba Bông đã có những giai đoạn bị phá bỏ hoàn toàn, mà theo đó Lễ rước kiệu, Lễ rước bóng Cô Bơ nơi “Quốc mẫu dân cầu” cũng bị mai một lãng quên. Tuy vậy, mảnh đất “Anh linh” vua ban đã được nhân dân và khách thập phương nhiều lần tôn tạo, trùng tu, sửa đổi. Cùng với thời gian, nhân dân thập phương, các thanh đồng bản hội vẫn nô nức viếng thăm, hương khói cầu nguyện phước lành cho cuộc đời bình an, mùa màng tươi tốt, có thể nói đây là nơi “Quốc mẫu dân cầu” có một không hai. Cả hai đền này đã được Nhà nước cấp bằng Di tích cấp tỉnh năm 1992. Lễ hội Hàn Sơn được tổ chức vào tháng 6 (âm lịch) hàng năm, ngày 12 tháng 6 là ngày chính hội, nhân dân thường tổ chức lễ hội rước kiệu, mà cách thức là rước bóng Cô Bơ ở Đền Ba Bông về hầu Thánh mẫu Đệ Tam Đền Hàn, khi thực hiện xong nghi lễ lại rước Cô trở về, lễ rước được diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống.
Để duy trì và phát triển lễ hội truyền thống của địa phương, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể di tích và lễ hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phát huy điểm du lịch của tỉnh theo hướng liên kết vùng, gắn liền với việc nâng cao ý thức bảo tồn di tích của địa phương; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân về giữ gìn và phát huy giá trị di tích văn hóa dân tộc; phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Xã Hà Sơn đã thành lập Ban tổ chức Lễ hội, phối hợp với Ban quản lý di tích xây dựng Phương án đảm bảo an toàn giao thông (đường bộ, đường thủy), đảm bảo an ninh trật tự; phòng, chống cháy nổ; vệ sinh an toàn thực phẩm...

Lực lượng đảm bảo ATGT an ninh trật tự
Tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích, khuyến cáo người dân hạn chế đốt vàng mã, đồ thờ; đảm bảo an toàn giao thông; an ninh trật tự; phòng, chống cháy nổ; vệ sinh an toàn thực phẩm…, nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả, đem lại ấn tượng tốt đẹp cho nhân dân địa phương và du khách; kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép, cá cược, đánh bạc trá hình; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Đảm bảo thời gian diễn ra lễ hội an toàn, ấn tượng trong lòng du khách.