Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện đã và đang khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể xây dựng các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của địa phương, chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ...

Sản phẩm làm từ tre của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại BamboVina tham gia Hội chợ triển lãm tại Hoa Kỳ.
Là huyện nông nghiệp, trước đây người dân sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún, nguồn bao tiêu không ổn định nên giá trị kinh tế các sản phẩm nông nghiệp chưa cao. Ngay sau khi Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được thực hiện, huyện đã quan tâm, hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP, nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường.


Bộ sản phẩm nhà bếp của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại BambooVina được công nhận đạt chất lượng 4 sao.
Công ty TNHH &Thương mại BAMBOVINA hiện đã có 05 sản phẩm được công nhận OCOP: Bộ bàn ghế tre gấp gọn, Xe đạp tre cao cấp; Bộ dụng cụ nhà bếp; Ghế tre thư giãn cao cấp; Hộp tre đựng bánh kẹo tết, các sản phẩm đều được làm từ nguyên liệu thiên thân thiên với môi trường, đảm bảo an toàn nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến nay, các sản phẩm của Công ty đã được xuất khẩu sang các nước và có mặt tại các siêu thị. Hay các sản phẩm Nếp cái Hoa vàng Gia miêu ngoại trang xã Hà Long; Nếp hạt cau Tiên sơn Hà Lĩnh; Bánh lá Hà Lai… đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Với cách triển khai thực hiện phù hợp, Chương trình OCOP tại huyện thực sự đã mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.


Nếp hạt cau Tiên sơn Hà Lĩnh được trưng bày tại các hội trợ
Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, toàn huyện hiện có 17 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, gắn sao, trong đó 10 sản phẩm đạt 3 sao, 7 sản phẩm đạt 4 sao. Bên cạnh việc phát triển thêm các sản phẩm OCOP. Nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP, huyện tiếp tục quán triệt các chủ thể luôn luôn chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ khó tính, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ...


Bánh lá Hà Lai sản phẩm OCOP 4 sao
Với đặc thù của huyện là có nhiều sản phẩm truyền thống. Đây được xem là tiềm năng, lợi thế của huyện để xây dựng sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị của các sản phẩm này. Trong quá trình thực hiện, ngoài hỗ trợ kinh phí xây dựng, huyện cũng hỗ trợ các chủ thể tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, để sản phẩm OCOP có đầu ra ổn định, tiếp cận được với những người dùng tiềm năng, huyện cũng đã kết nối các chủ thể với hệ thống siêu thị. Tuy nhiên, các sản phẩm vào hệ thống siêu thị để thu hút được người dùng ngoài bao bì, nhãn mác bắt mắt, thì chất lượng luôn được ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, huyện luôn khuyến khích các chủ thể chú trọng đến chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà không mất đi hương vị đặc biệt của sản phẩm truyền thống.
Có thể thấy, việc xây dựng sản phẩm OCOP và thương hiệu sản phẩm là cơ hội để các chủ thể quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, có thêm đầu ra ổn định, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, tạo chuỗi liên kết bền vững, góp phần đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực và các sản phẩm thế mạnh từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, an toàn.