Thanh Hóa - vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa đang hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Đồng hành với địa phương, Báo Nhân Dân thông qua dự án “Yêu lắm Việt Nam” đã lắp đặt các điểm check-in thông minh tại ba khu di tích tiêu biểu: Thành Nhà Hồ, Đền Bà Triệu và Khu di tích Lam Kinh.

Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.
Việc ứng dụng công nghệ tại những địa danh này góp phần giúp người dân và du khách tiếp cận thông tin một cách thuận tiện, sống động, đồng thời mở ra hướng đi mới trong nỗ lực bảo tồn và lan tỏa giá trị di sản bằng các công cụ số.

Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2025.
Tại mỗi di tích, tấm bảng nhỏ gắn chip công nghệ kết nối không dây được thiết kế hài hòa với cảnh quan, như một điểm nhấn hiện đại giữa không gian văn hóa giàu bản sắc.
Chỉ với một thao tác chạm nhẹ điện thoại thông minh, người dân và du khách đã có thể bước vào thế giới di sản số: từ thông tin lịch sử, nhân vật gắn liền với di tích, đến hình ảnh, video, bản đồ định vị và các gợi ý hành trình tham quan tiện lợi.
Tất cả nội dung đều được biên soạn bài bản, xác thực, mang lại trải nghiệm vừa chính thống, vừa sinh động. Với công nghệ kết nối không dây (NFC) kết hợp dữ liệu số, sự tiếp cận trở nên dễ dàng và đồng bộ, đặc biệt hữu ích để du khách hiểu rõ hơn về giá trị di sản, góp phần bảo tồn và lan tỏa những nét đẹp văn hóa, lịch sử của nơi họ đang tới tham quan.
Tại Thành Nhà Hồ, công trình kiến trúc bằng đá độc đáo của Việt Nam, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 2011, điểm check-in của dự án "Yêu lắm Việt Nam" được đặt ở vị trí trung tâm, vừa thuận lợi cho thao tác công nghệ, vừa giữ được sự hài hòa với không gian cổ kính của khu di tích.
Không chỉ dừng lại ở chia sẻ thông tin về khu di tích, mỗi trạm còn tích hợp chức năng chụp ảnh tự động, cấp chứng nhận check-in điện tử, tạo điều kiện để du khách lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ tại các điểm du lịch. Đây là một trong những hoạt động trọng điểm, mang ý nghĩa sâu sắc không chỉ ở việc tri ân lịch sử, mà còn góp phần lan tỏa vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam qua lăng kính công nghệ hiện đại.

Du khách tới thăm Khu di tích Lam Kinh.
Với 858 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 1 di sản thế giới, 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia và 713 di tích cấp tỉnh, Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển du lịch văn hóa. Việc tiên phong áp dụng chuyển đổi số trong du lịch là bước đi đúng hướng, phù hợp với xu thế và yêu cầu của thời đại mới.
Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu trong năm 2025, tổng lượt khách du lịch đạt 15 triệu lượt, trong đó có khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu du lịch đạt 53.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 10% GRDP của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu này, Thanh Hóa đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào du lịch, bao gồm số hóa dữ liệu di sản, phát triển bản đồ số du lịch, hệ thống đặt vé điện tử, trải nghiệm tham quan thực tế ảo và kết nối du khách với hệ sinh thái dịch vụ địa phương.

Chạm điện thoại tại điểm check-in Yêu lắm Việt Nam
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang định hình lại mọi lĩnh vực, du lịch cũng không thể đứng ngoài cuộc. Thanh Hóa, với sự đồng hành của những dự án như “Yêu lắm Việt Nam”, đang dần chuyển mình trở thành một điểm đến không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan, di sản mà còn bởi sự hiện đại, thân thiện và thông minh trong cách phục vụ du khách.
Đây chính là minh chứng cho một tư duy đổi mới, bền vững và đầy cảm hứng, nơi quá khứ và tương lai hòa quyện, nơi lịch sử và công nghệ cùng tạo nên những hành trình đáng nhớ./.