1. Quy định mới về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy từ ngày 10/4/2025
Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2025/NĐ-CP quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy. Nghị định nêu rõ, chứng thư chữ ký điện tử được phân loại như sau:
- Chứng thư chữ ký số gốc của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia tự cấp cho mình tương ứng với từng loại dịch vụ tin cậy.
- Chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy tương ứng với từng loại dịch vụ tin cậy, bao gồm: chứng thư chữ ký số cho dịch vụ cấp dấu thời gian, chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
- Chứng thư chữ ký số công cộng là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp cho thuê bao.
- Chứng thư chữ ký điện tử chuyên dùng là chứng thư chữ ký điện tử do cơ quan, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng cấp.
Các quy định trên có hiệu lực từ ngày 10/4/2025.
2. Quy định mới về quản lý xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh
Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2025/NĐ-CP ngày 24/02/2025. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 12/4/2025.
Trong đó, Nghị định số 31/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP như sau: Xuất khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh: Cá nhân, tổ chức có văn hóa phẩm xuất khẩu đã được sản xuất, công bố, phổ biến và lưu hành hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam khi xuất khẩu chỉ làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...
3. Phương pháp xác định Quỹ tiền lương của người lao động và Ban điều hành
Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2025/NĐ-CP ngày 28/02/205 quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước.
Nghị định quy định Quỹ tiền lương của người lao động và Ban điều hành được xác định theo các phương pháp sau:
1- Xác định quỹ tiền lương thông qua mức tiền lương bình quân;
2- Xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định. Phương pháp này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp đã có thời gian hoạt động ít nhất bằng thời gian dự kiến áp dụng đơn giá tiền lương ổn định.
Các quy định trên có hiệu lực từ ngày 15/4/2025.
4. Sửa quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm
Chính phủ ban hành Nghị định 60/2025/NĐ-CP ngày 03/3/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Trong đó, Nghị định 60/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về thu hồi kinh phí hỗ trợ.
Cụ thể, hằng năm, căn cứ vào kết quả rèn luyện, học tập của sinh viên sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo danh sách sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học cho UBND cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú hoặc cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng để thông báo thu hồi kinh phí đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền, sinh viên thuộc đối tượng bồi hoàn kinh phí phải có trách nhiệm liên hệ với cơ quan ra thông báo thu hồi kinh phí bồi hoàn để làm thủ tục bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.
Thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tối đa là 4 năm, kể từ khi sinh viên sư phạm nhận được thông báo bồi hoàn kinh phí.
Các quy định trên có hiệu lực từ ngày 20/4/2025.
5. Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương do Bộ Nông nghiệp và Môi trường thành lập và quản lý
Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2025/NĐ-CP ngày 05/3/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.
Theo quy định mới tại Nghị định số 63/2025/NĐ-CP, Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương do Bộ Nông nghiệp và Môi trường thành lập và quản lý. (Trước đó, theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP thì Quỹ trung ương được Chính phủ thành lập, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý).
Nghị định số 63/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19/4/2025./.
6. Quy định phí bảo lãnh ngân hàng từ ngày 01/4/2025
Ngày 31/12/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 61/2024/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng.
Theo đó quy định phí bảo lãnh ngân hàng từ ngày 01/4/2025 như sau:
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận mức phí bảo lãnh đối với khách hàng và các bên liên quan (nếu có) và phải niêm yết công khai mức phí bảo lãnh.
Trường hợp thực hiện đồng bảo lãnh, các bên tham gia đồng bảo lãnh thỏa thuận mức phí bảo lãnh cho mỗi bên đồng bảo lãnh.
Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh cho một nghĩa vụ liên đới thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với từng khách hàng về mức phí phải trả trên cơ sở nghĩa vụ liên đới tương ứng của mỗi khách hàng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp đồng tiền bảo lãnh là ngoại tệ, các bên thỏa thuận thu phí bảo lãnh bằng ngoại tệ hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bán của bên bảo lãnh tại thời điểm thu phí hoặc tại thời điểm thông báo thu phí.
Các bên có thể thỏa thuận điều chỉnh mức phí bảo lãnh.
7. Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT ngày 07/3/2025 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học.
Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT quy định thời gian thực dạy của giáo viên THCS, THPT là 35 tuần thay vì 37 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục như quy định cũ. Đồng thời, bổ sung 2 tuần dự phòng để giáo viên hoàn thành các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông.
Thông tư số 05/2025/TT-BGDĐT nêu rõ mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ (bao gồm cả việc kiêm nhiệm công việc chuyên môn, công tác Đảng, đoàn thể, các tổ chức khác và một số vị trí việc làm khác).
8. Tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động từ 01/4/2025
Theo Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH ngày 11/02/2025, điều kiện lao động gồm 6 loại và phân chia như sau:
- Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại I, II, III là nghề, công việc không nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm;
- Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại IV là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại V, VI là nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Điều kiện lao động được đánh giá, xếp loại theo 03 phương pháp:
- Phương pháp đánh giá, tính điểm thực hiện theo quy trình: Xác định tên nghề, công việc cần đánh giá, xác định điều kiện lao động, quy mô lấy mẫu. Sau đó, đánh giá điều kiện lao động theo hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động.
- Phương pháp thống kê, kinh nghiệm: Căn cứ vào đặc điểm điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc của Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để xác định loại điều kiện lao động cho các nghề, công việc được đánh giá.
- Phương pháp kết hợp: Kết hợp phương pháp đánh giá, tính điểm với phương pháp thống kê, kinh nghiệm và lấy ý kiến của bộ quản lý ngành lĩnh vực, các chuyên gia, nhà khoa học để tổng hợp kết quả.
Quy định trên có hiệu lực từ ngày 01/4/2025.
9. Đất nông nghiệp được thí điểm chuyển nhượng làm dự án nhà ở thương mại
Cụ thể, khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 171/2024/QH15 (có hiệu lực từ 22/4/2025) nêu rõ, tổ chức kinh doanh bất động sản được nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất nông nghiệp để thực hiện dự án thí điểm nếu đáp ứng điều kiện:
- Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị;
- Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt;
- Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án nằm trong danh mục các khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua;
- Có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thí điểm đối với dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản nhận quyền sử dụng đất và dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất và nhận quyền sử dụng đất.
- Tổ chức kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Trường hợp sử dụng diện tích đất quốc phòng, đất an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh để thực hiện dự án thí điểm thì phải đáp ứng các điều kiện trên và có văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng đối với đất quốc phòng, Bộ Công an đối với đất an ninh.
10. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 bắt đầu có hiệu lực
Ngày 19/02/2025, Quốc hội ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025. Luật gồm 9 chương và 72 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025. Luật quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung cơ bản về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật này không quy định về làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Luật nêu rõ các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đó là:
- Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật và không trái với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tuân thủ đúng thẩm quyền, nội dung, hình thức và trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phòng, chống lợi ích nhóm, cục bộ.
- Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bình đẳng giới; bảo đảm dân chủ, công bằng, nhân đạo, công khai, minh bạch, khoa học, kịp thời, ổn định, khả thi, hiệu quả.
- Bảo đảm việc thực hiện chủ trương phân quyền, phân cấp; giải quyết vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn; vấn đề mới, xu hướng mới; yêu cầu quản lý nhà nước và khuyến khíchkhuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Văn bản quy phạm pháp luật quy định thực hiện thí điểm phải xác định thời gian thực hiện thí điểm và phải được sơ kết, tổng kết để xem xét, quyết định việc tiếp tục áp dụng hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng chính thức.
- Bảo đảm thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước đối với nội dung văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm 14 loại văn bản pháp luật và không còn 2 loại văn bản của cấp xã là nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND cấp xã.
11. Thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 – 2030
Ngày 07/02/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 70/2025/UBTVQH15 quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025 và áp dụng cho các năm ngân sách giai đoạn 2026 - 2030.
Theo đó, việc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
Thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 như sau:
- Dự án đầu tư công khẩn cấp;
- Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia;
- Hoàn trả vốn ứng trước;
- Dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn;
- Chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, bao gồm cả vốn đối ứng;
- Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; bồi thường, chấm dứt hợp đồng dự án PPP trước hạn được cấp có thẩm quyền quyết định, chi trả phần giảm doanh thu các dự án PPP thuộc trách nhiệm của Nhà nước, thanh toán theo hợp đồng dự án BT bằng tiền;
- Dự án chuyển tiếp hoàn thành trong kỳ kế hoạch;
- Dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt;
- Nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (vốn bố trí cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2026 - 2030, vốn bố trí cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2031 - 2035);
- Thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 (nếu có);
- Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng khác theo quyết định của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
- Bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
- Dự án khởi công mới đáp ứng yêu cầu quy định của Luật Đầu tư công.