Hà Lai 3 cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản
Vào ngày 01/2/2024, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với xã Hà Lai đã tổ chức Lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam cho 3 cây cổ thụ ở xã Hà Lai. 3 Cây Di sản được công nhận gồm: Cây Đa khoảng 120 tuổi; Cây Bàng khoảng 150 tuổi nằm trong khuôn viên đền thờ Mẫu, thôn Vân Cô và Cây Đa khoảng hơn 170 tuổi, nằm trong khuôn viên Trường Trung học cơ sở Hà Lai, thôn Mậu Yên 2. Qua quá trình thẩm định đánh giá khoa học Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận 03 cây trên là cây di sản.
![](/portal/Photos/2024-04/6d9c86f731cd2ffdz5308471331541_6f3337dc3aa99cbf063d50472655d306.jpg)
Đền thờ Mẫu, thôn Vân Cô, xã Hà Lai
Cây Đa khoảng trên 120 tuổi, nằm trong khuôn viên đền thờ Mẫu, thôn Vân Cô. Theo lời các cụ cao niên trong thôn kể lại, cây đa được các cụ cao tuổi trồng vào khoảng năm 1900. Gốc đa vẫn sừng sững đứng đó chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử như là chỗ dựa của cả một thế hệ con cháu lạc hồng. Ngoài ra theo phong thủy sức sống bền bỉ, dẻo dai của cây đa sẽ đem lại sự may mắn và tài lộc cho nhân dân trong làng.
![](/portal/Photos/2024-04/f03a9e47e532d6bdz5308471658763_9a635820cd432a3b28e6eac92c4deff1.jpg)
![](/portal/Photos/2024-04/220d0175caa1d1ddz5308471719066_01b30b0a927970afb87766ed25044619.jpg)
Cây Đa di sản nằm trong khuôn viên đền thờ Mẫu, thôn Vân Cô
Cây Đa khoảng hơn 170 tuổi, nằm trong khuôn viên Trường Trung học cơ sở Hà Lai, thôn Mậu Yên 2. Theo lời các cụ cao niên trong thôn kể lại, cây đa được nhân dân trong thôn trồng vào khoảng năm 1850. Gốc Đa vẫn sừng sững đứng đó chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử như là chỗ dựa của các thế hệ giáo viên, học sinh trường Trung học cơ sở Hà Lai, con cháu làng Mậu Yên. Cây đa cổ thụ xanh tốt tỏa bóng râm mát nhuốm màu thời gian. Cây đa là sự kết hợp hoàn hảo của cái gần gũi mà huyền bí, mang đậm hơi thở dân gian nhưng lại đem trong mình những yếu tố tâm linh để rồi tạo nên một hình ảnh cây đa thân thuộc ngàn đời.
![](/portal/Photos/2024-04/d2a57dd83b9bc9ddz5308594245176_23b9f7dbf17406b22d4fdbc4f08f1691.jpg)
![](/portal/Photos/2024-04/17f98cecfdc400bdz5308594241346_3f3adb2be27f4bf7370dd701ab2fe90e.jpg)
Cây Bàng trên 150 tuổi, nằm trong khuôn viên đền thờ Mẫu, thôn Vân Cô
Cây Bàng khoảng trên 150 tuổi. Theo lời các cụ cao niên trong thôn kể lại, cây Bàng được các cụ cao tuổi trồng vào khoảng năm 1873. Giờ đây cây Bàn vẫn xanh tươi tốt giữa quần thể khu di tích Đình - Đền - Nghè của làng, bên cạnh khu nhà thờ Mẫu trang nghiêm đầy linh khí.
Trải qua suốt chiều dài của lịch sử cùng với quá trình phát triển không ngừng của xã hội nhưng xã Hà Lai nói chung và thôn Vân Cô nói riêng vẫn giữ được những cây cổ thụ có niên đại trên hàng trăm năm tuổi, qua năm tháng, những cây cổ thụ ấy không chỉ góp phần tạo cảnh quan, giá trị sinh thái, mà còn là chứng nhân lịch sử, nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của bao thế hệ con em người Hà Lai. Nguyện ước của nhân dân là muốn bảo vệ cây cổ thụ; bảo tồn cây Đa, cây Bàng hàng trăm năm tuổi để nhân dân trong làng, các thế hệ học sinh xã Hà Lai dù đi xa vẫn nhớ về cội nguồn của văn hóa là động lực nuôi dưỡng, thúc đẩy sự phát triển của tình yêu làng xóm, yêu quê hương, yêu Tổ quốc.
Việc nghiên cứu, đánh giá khoa học và cấp Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho 3 cây cổ thụ ở xã Hà Lai có ý nghĩa to lớn bởi đây là cây của cộng đồng dân cư, là niềm tự hào của người dân Hà lai. Qua đó, góp phần động viên, khích lệ mọi người cùng chung tay góp sức, góp công, góp của chăm sóc, bảo tồn Cây Di sản, nâng cao giá trị của các di tích lịch sử văn hóa địa phương.
Hải Yến