Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Sáng 13/1/2025, tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 822 điểm cầu với sự tham gia của 37.067 cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở.


Các đại biểu dự hội nghị điểm cầu Huyện ủy.

Tại điểm cầu Huyện ủy, đồng chí Lê Văn Dậu, Bí thư Huyện, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch ủy Hội đồng nhân dân huyện; Đồng chí Nguyễn Ngọc Thức, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện; các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy; các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện; trưởng, phó các Ban Xây dựng đảng ủy; Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy; Văn phòng Huyện ủy, HĐND-UBND huyện; Trưởng, phó các phòng, ban, đơn vị trực thuộc ủy ban nhân dân huyện; phó các ban hội đồng nhân dân; trưởng, phó các đoàn thể chính trị - xã hội; mặt trận tổ quốc; Bí thư Đảng ủy, Chi ủy các cơ quan ngành trên địa bàn huyện; Chủ nhiệm câu lạc bộ Hưu trí Đò lèn; Bí thư đảng ủy Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuốc lá Thanh Hóa. Tại điểm cầu các xã, thị trấn, các đồng chí Bí thư Đảng ủy chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo.


Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu huyện

Các đại biểu đã nghe đồng chí Thái Thanh Quý, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KHCN, ĐMST&CĐS thời gian qua; quán triệt tinh thần, triển và nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia.

Quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST&CĐS, đồng chí Thái Thanh Quý, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nêu lên 5 nhóm quan điểm chỉ đạo, Trong đó nhấn mạnh: Bộ Chính trị khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia, xác định rõ đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới...

Nghị quyết đặt ra yêu cầu xuyên suốt, không tách rời là phải bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của tổ chức và cá nhân. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, an ninh, an toàn.

Nghị quyết cũng nêu lên 5 nhóm mục tiêu đến năm 2030, trong đó xác định mang tính định hướng về tiềm lực, trình độ KHCN, ĐMST và đặt ra mục tiêu cụ thể là Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.

Nghị quyết số 57 đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp gồm: Nâng cao nhận thức, đột phá đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia. Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST&CĐS. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia. Đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, ĐMST&CĐS trong doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, ĐMST&CĐS.

Trang Hằng