Chính sách mới có hiệu lực thi hành từ tháng 02/2025
Chính sách mới có hiệu lực thi hành từ tháng 02/2025
1. Sửa quy định về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng
Có hiệu lực từ ngày 02/02/2025, Nghị định số 159/2024/NĐ-CP ngày 18/12/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm, Nghị định 159/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung như sau:
Kiểm lâm khi thi hành công vụ thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định tại Nghị định này và theo quy định của pháp luật; mặc đồng phục, đeo cấp hiệu, kiểm lâm hiệu, biển tên theo quy định.
Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ, kiểm tra hiện trường, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý vi phạm pháp luật hình sự...
2. Vi phạm hành chính lĩnh vực khí tượng thủy văn bị phạt tới 100 triệu đồng
Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2024/NĐ-CP ngày 10/12/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/02/2025.
Theo Nghị định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
3. Quy định mới về chức năng của cơ quan thanh tra Công an nhân dân
Chính phủ ban hành Nghị định 164/2024/NĐ-CP ngày 25/12/2024 quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra Công an nhân dân. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/02/2025.
Về chức năng của cơ quan thanh tra Công an nhân dân, Nghị định 164/2024/NĐ-CP nêu rõ: Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra Công an nhân dân giúp Thủ trưởng Công an cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
4. Vi phạm hành chính trong kinh doanh bảo hiểm bị phạt tới 200 triệu đồng
Chính phủ ban hành Nghị định số 174/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2025.
Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tổ chức, cá nhân bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền.
Mức xử phạt bằng tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng hành vi vi phạm. Mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng, đối với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng.
5. Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật
Chính phủ ban hành Nghị định số 9/2025/NĐ-CP ngày 10/1/2025 quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.
Nghị định này quy định về chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, sản xuất muối hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.
Theo quy định, mức hỗ trợ đối với thủy sản bị thiệt hại do thiên tai (bao gồm nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản) như sau:
Nuôi trồng thuỷ sản bán thâm canh, thâm canh trong ao (đầm/hầm): hỗ trợ 60 triệu đồng/ha diện tích nuôi bị thiệt hại.
Nuôi trồng thuỷ sản trong bể, lồng, bè: hỗ trợ 30 triệu đồng/100 m3 thể tích nuôi bị thiệt hại.
Nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức khác: hỗ trợ 15 triệu đồng/ha diện tích nuôi bị thiệt hại.
Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 25/02/2025.
6. Quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Ngày 19/12/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 35/2024/TT-BTNMT về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo đó, Thông tư 35/2024/TT-BTNMT quy định quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại.
- Các quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định bao gồm:
+ Các quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt: quy trình kỹ thuật thu gom thủ công chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đến điểm tập kết; quy trình kỹ thuật thu gom cơ giới chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đến cơ sở tiếp nhận; quy trình kỹ thuật vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết đến cơ sở tiếp nhận, từ trạm trung chuyển đến cơ sở xử lý; quy trình kỹ thuật vận chuyển chất thải cồng kềnh từ điểm thu gom đến cơ sở xử lý;
Quy trình kỹ thuật vận chuyển chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, điểm thu gom đến cơ sở xử lý hoặc điểm lưu giữ chất thải nguy hại; quy trình kỹ thuật vận chuyển nước thải phát sinh trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến cơ sở xử lý; quy trình kỹ thuật vệ sinh điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt;
+ Các quy trình kỹ thuật vận hành trạm phân loại chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt: quy trình kỹ thuật vận hành trạm phân loại chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; quy trình kỹ thuật vận hành trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt sử dụng thiết bị ép; quy trình kỹ thuật vận hành trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt không sử dụng thiết bị ép;
+ Các quy trình kỹ thuật xử lý chất thải rắn sinh hoạt: quy trình kỹ thuật vận hành cơ sở xử lý chất thải thực phẩm thành mùn; quy trình kỹ thuật vận hành cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh; quy trình kỹ thuật vận hành cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt thu hồi năng lượng để phát điện; quy trình kỹ thuật vận hành cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt không thu hồi năng lượng; quy trình kỹ thuật vận hành cơ sở xử lý chất thải cồng kềnh; quy trình kỹ thuật vận hành cơ sở xử lý nước thải phát sinh trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Thông tư trên có hiệu lực từ ngày 03/02/2025.
7. Hướng dẫn thực hiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra
Ngày 18/12/2024, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 08/2024/TT-TTCP Hướng dẫn thực hiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Thông tư có hiệu lực từ ngày 03/02/2025.
Thông tư gồm có 04 chương, 27 điều, 51 mẫu văn bản và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/2/2025 thay thế Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.
Một trong những điểm nhấn của Thông tư số 08/2024 là việc quy định cụ thể các mẫu văn bản trong hoạt động thanh tra. Thông tư số 08/2024 cũng nêu rõ từng bước trong quy trình thanh tra, từ việc thu thập thông tin chuẩn bị thanh tra, ban hành quyết định thanh tra, xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, đến công bố quyết định và triển khai thực hiện...
8. Đối tượng đăng ký thuế
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 86/2024/TT-BTC ngày 23/12/2024 quy định về đăng ký thuế.
Trong đó, Điều 4 Thông tư 86/2024/TT-BTC quy định về đối tượng đăng ký thuế như sau:
- Đối tượng đăng ký thuế bao gồm:
+ Người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế thông qua cơ chế một cửa liên thông theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế.
+ Người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế.
- Người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế, bao gồm:
+ Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chuyên ngành không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành (sau đây gọi là Tổ chức kinh tế).
+ Đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế của lực lượng vũ trang, tổ chức kinh tế của các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, xã hội, xã hội-nghề nghiệp hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật nhưng không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh…
Thông tư có hiệu lực từ ngày 06/02/2025./.
9. Bãi bỏ một số quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện
Chính phủ ban hành Nghị định số 173/2024/NĐ-CP bãi bỏ một phần Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện và bãi bỏ Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 07/05/2009 sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP.
Tại Nghị định số 43/2009/NĐ-CP, Chính phủ bổ sung số thứ tự 19 (thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu) vào Mục A của Phụ lục I trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh (ban hành kèm theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ).
Nghị định số 173/2024/NĐ-CP đã bãi bỏ toàn bộ Nghị định số 43/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Nghị định số 173/2024/NĐ-CP cũng bãi bỏ một phần Nghị định số 59/2006/NĐ-CP như sau: Bãi bỏ điểm b, điểm c khoản 1 Điều 4 và Điều 6 (Điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh), Điều 7 (Điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện), Điều 8 (Kiểm tra điều kiện kinh doanh); bãi bỏ điểm 1, điểm 2, điểm 3, điểm 4, điểm 5, điểm 6, điểm 7, điểm 8, điểm 9, điểm 10, điểm 11, điểm 12, điểm 14, điểm 17 và điểm 18 tại Mục A về Hàng hóa và toàn bộ Mục B về Dịch vụ của Phụ lục I Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; bãi bỏ Phụ lục II Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và Phụ lục III Danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện.
Nghị định số 173/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2025.
10. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp công chứng viên từ ngày 10/02/2025
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 15/2024/TT-BTP ngày 26/12/2024 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên, đấu giá viên, hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp, có hiệu lực từ ngày 10/02/2025.
Theo đó, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp với viên chức là công chứng viên làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp như sau:
- Nắm vững và có năng lực vận dụng, triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực công chứng và lĩnh vực có liên quan.
- Có năng lực thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của công chứng viên theo quy định của pháp luật.
- Có năng lực hướng dẫn, giải đáp các vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề công chứng.
- Có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, đánh giá, thuyết phục, tổ chức triển khai công việc và giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý các tình huống trong lĩnh vực công chứng.
- Có kỹ năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ công chứng.
- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và trình độ ngoại ngữ theo vị trí việc làm.
11. Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức nghiên cứu viên cao cấp hạng I từ ngày 15/02/2025
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 11/2024/TT-BKHCN ngày 30/12/2024 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ; tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ, có hiệu lực từ ngày 15/02/2025.
Cụ thể, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức nghiên cứu viên cao cấp hạng I như sau:
- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
+ Có trình độ tiến sĩ phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu, yêu cầu của vị trí việc làm;
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghiên cứu khoa học. Trường hợp vị trí việc làm viên chức yêu cầu có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật, viên chức có chứng chỉ hành nghề được sử dụng thay thế chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghiên cứu khoa học tương ứng.
- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
+ Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, định hướng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia, bộ, ngành và địa phương. Nắm được các thành tựu tiến bộ khoa học và công nghệ, xu hướng phát triển khoa học và công nghệ trong nước và trên thế giới liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu;
+ Có khả năng nghiên cứu sâu về chuyên ngành và nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực chuyên môn; đề xuất, tư vấn và giải quyết các vấn đề mang tính chiến lược của trung ương và địa phương; khả năng tổng kết thực tiễn, xây dựng và trình bày các báo cáo nghiên cứu khoa học có tính chiến lược trong các hội nghị, hội thảo khoa học quan trọng; khả năng tập hợp và tổ chức các cá nhân có năng lực để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; khả năng gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo và sản xuất;
+ Có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, kết hợp nghiên cứu lý luận với thực tiễn, kinh nghiệm hợp tác với các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn; có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ được giao và hiểu biết rộng về các chuyên ngành có liên quan;
+ Có năng lực chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp.
Đạt ít nhất 05 điểm quy đổi từ kết quả hoạt động chuyên môn, trong đó có ít nhất 03 điểm được quy đổi từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh hoặc công bố bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín; hoặc sáng chế được cấp Bằng độc quyền sáng chế và được chuyển giao, thương mại hóa; hoặc giải pháp hữu ích được cấp Bằng độc quyền và được ứng dụng trong thực tiễn; hoặc giống cây trồng được cấp Bằng bảo hộ và ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh;
+ Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ; đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số phải sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm;
+ Viên chức thăng hạng từ nghiên cứu viên chính (hạng II) lên nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) phải có thời gian giữ chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) hoặc tương đương từ đủ 06 năm trở lên. Trường hợp có thời gian tương đương, phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng cộng dồn) giữ chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng.
12. Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh hỗ trợ pháp lý hạng II từ ngày 10/02/2025
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 16/2024/TT-BTP ngày 26/12/2024 quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với các chức danh nghề nghiệp hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp, có hiệu lực từ ngày 10/02/2025.
Cụ thể, viên chức được dự xét thăng hạng chức danh hỗ trợ pháp lý hạng II khi đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 3 Thông tư 16/2024/TT-BTP và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
- Đang giữ chức danh hỗ trợ pháp lý hạng III.
- Đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm tương ứng với chức danh hỗ trợ pháp lý hạng II quy định tại Thông tư 06/2023/TT-BTP hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp.
- Đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh hỗ trợ pháp lý hạng II đối với từng chức danh cụ thể quy định tại Thông tư 15/2024/TT-BTP quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên, đấu giá viên, hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp.
- Có thời gian giữ chức danh hỗ trợ pháp lý hạng III hoặc tương đương từ đủ 09 năm cộng dồn (108 tháng) trở lên. Trường hợp có thời gian giữ chức danh tương đương với chức danh hỗ trợ pháp lý hạng III thì thời gian giữ ngạch hỗ trợ pháp lý hạng III tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng), tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng.
13. Danh mục vị trí công tác phải thực hiện định kỳ chuyển đổi với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực Công Thương ở địa phương
Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Thông tư 41/2024/TT-BCT ngày 30/12/2024 quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực Công Thương ở địa phương, có hiệu lực từ ngày 21/02/2025.
Theo đó, danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực Công Thương phải thực hiện định kỳ chuyển đổi
- Cấp các loại giấy phép liên quan đến xuất nhập khẩu, dịch vụ thương mại, cụ thể:
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG/LNG/CNG;
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG vào chai;
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu;
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu;
+ Giấy tiếp nhận thông báo kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ;
+ Giấy phép bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
+ Giấy phép bán lẻ rượu;
+ Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá;
+ Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá;
+ Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam;
+ Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
+ Giấy phép hoạt động phân phối điện đến cấp điện áp 35 kV tại địa phương;
+ Giấy phép hoạt động bán lẻ điện đến cấp điện áp 0,4 kV tại địa phương.
- Cấp các loại giấy phép liên quan đến việc bảo đảm tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất, kinh doanh, cụ thể:
+ Giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện;
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ;
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất/kinh doanh/sản xuất và kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp;
+ Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
+ Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người liên quan đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
+ Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ cho người được giao quản lý kho, nơi cất giữ tiền chất thuốc nổ;
+ Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào chai;
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào xe bồn;
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG/LNG/CNG vào phương tiện vận tải;
+ Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh;
+ Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp (quy mô dưới 3 triệu lít/năm);
+ Giấy phép hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có công suất dưới 3 MW đặt tại địa phương;
+ Thông báo xác nhận công bố sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 phù hợp các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy các sản phẩm, hàng hóa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
14. Hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành Ngân hàng
Thông tư 58/2024/TT-NHNN hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành Ngân hàng có hiệu lực từ ngày 14/02/2025.
Theo đó, trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, khi phát hiện tiền nghi giả, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tạm thu giữ và lập biên bản theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 87/2023/NĐ-CP.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tạm thu giữ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải chuyển hồ sơ giám định theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn hoặc Sở giao dịch để giám định.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch có trách nhiệm đóng gói, niêm phong tiền giả. Niêm phong tiền giả được thực hiện theo quy định về niêm phong tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước nhưng phải được đóng dấu “TIỀN GIẢ” trên niêm phong để phân biệt với tiền thật.
15. Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học
Thông tư số 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm, có hiệu lực từ 14/022025.
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Thông tư cũng quy định, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo mẫu).
Việc thanh tra học thêm, dạy thêm sẽ bắt đầu từ ngày 10/2 khi Thông tư 28/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục, có hiệu lực.
16. Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn
Thông tư 24/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 08/022025.
Theo đó, từ năm 2025, ngoại ngữ sẽ trở thành bài thi tự chọn thay vì là bài thi bắt buộc như những năm trước đây. Số môn thi, bài thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay sẽ gồm môn toán, ngữ văn và một môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn. Đối với các trường THPT thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển riêng thì môn thi hoặc bài thi thứ ba do các cơ quan này lựa chọn.
Thông tư cũng quy định chỉ tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển và hàng năm chỉ tuyển sinh một lần vào cấp THCS.
Phòng Tư pháp huyện