Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Những năm qua, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện chú trọng chỉ đạo, tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương
Qua khảo sát, huyện Hà Trung hiện có hơn 75.000 người trong độ tuổi lao động. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, huyện đã xây dựng, ban hành các văn bản thực hiện việc dạy nghề và giải quyết việc làm. Theo đó, chỉ đạo các xã, thị trấn điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh để triển khai thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp với các cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội và UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, tư vấn về lao động, giải quyết việc làm; tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo cho người lao động ở các xã, thị trấn...

Người dân áp dụng KHKT từ các lớp đào tạo nghề vào phát triển kinh tế cho thu nhập cao.
Trong quý I năm 2025, Huyện Hà Trung đã giải quyết việc làm mới cho 657/2.000 lao động đạt 32,85% KH năm, trong đó xuất khẩu lao động được 61/350 người đạt 17,43% KH năm. Các doanh nghiệp ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh; không xảy ra tình trạng đình công tập thể…Trong năm 2024, huyện đã đào tạo nghề cho 2.010 lao động, vượt 5% so với kế hoạch. Giải quyết việc làm mới cho 2.650 lao động, đạt 112,7% kế hoạch năm. Trong đó, số lao động được tạo việc làm trong nước là 2.010 người; xuất khẩu lao động được 640 người, đạt 182,8% kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, UBND các xã, các tổ chức hội đã phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức các lớp dạy nghề may mặc, sửa chữa điện lạnh, dịch vụ nhà hàng, nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi, dịch vụ cơ khí, lái xe... cho 1.876 lao động. Các lớp đào tạo nghề đã từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật của các đơn vị sử dụng lao động trong và ngoài huyện, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn huyện. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo của huyện đạt 80%.
Công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề cho người lao động, giúp họ lựa chọn những ngành nghề phù hợp với bản thân để vận dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thanh Hiên