Mô hình sản xuất tuần hoàn, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp hiện đại.

Phát triển nông nghiệp tuần hoàn là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp nói chung, đem lại hiệu quả cao về kinh tế nhưng vẫn bảo đảm tính bền vững về mặt môi trường. Trên địa bàn huyện, nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng sản xuất tuần hoàn đã manh nha phát triển, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp hiện đại.

Ven dãy núi Dương Lăng thuộc phố Đồng Toàn, thị trấn Hà Long (Hà Trung), một trang trại tổng hợp rộng hơn 5ha nhưng vẫn 4 mùa tươi tốt. Để có được mô hình sản xuất trù phú như ngày hôm nay, chủ nhân là bà Nguyễn Thị Nga cùng gia đình đã nhiều năm vất vả khai hoang gây dựng. Tại đây các khâu sản xuất đều bổ trợ cho nhau theo hướng tuần hoàn, giảm tối đa chi phí.


Trang trại tổng hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Nga tận dụng triệt để chất thải và phụ phẩm nông nghiệp giữa các khâu sản xuất

Theo bà Nga, từ một vùng đất hoang hóa được đấu thầu và nhận khoán, năm 2015 gia đình bà quyết tâm cải tạo, hình thành mô hình kinh tế tổng hợp. Trên vùng đồi cao, bài toán nan giải nhất là nguồn nước tưới đã được gia đình đầu tư 5 giếng khoan và hệ thống máy bơm điện cỡ lớn. Để chủ động có nước quanh năm, bà cho xây dựng 6 bể chứa bê tông trên những vị trí đồi cao để hằng ngày phục vụ sản xuất. Toàn bộ nguồn vốn tự có trong kinh doanh của gia đình nhiều năm trước bà đầu tư cải tạo đất, hình thành nên những vùng cây ăn quả theo hướng hiện đại. Từ đó, những khoảng đồi bưởi da xanh, hồng xiêm, nhãn, ổi, bơ... lần lượt được vun trồng, phát triển. Đa phần cây trồng được cung cấp nước đến từng gốc bằng hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại.

Lấy ngắn nuôi dài, bà tiếp tục đầu tư thêm hệ thống chuồng trại để duy trì đàn lợn khoảng 120 con mỗi lứa. Hàng trăm con gà được nuôi theo hình thức bán hoang dã. Tất cả chất thải từ đàn vật nuôi được thu gom, ủ hoai mục thành phân bón cho cây ăn quả trên đồi. Dưới hệ thống tán cây, gia đình bà không phun thuốc diệt trừ cỏ như nhiều nơi, mà để tự nhiên, duy trì đàn dê khoảng 40 - 50 con. Theo bà, để cỏ mọc vừa tuân thủ quy trình sản xuất sạch không hóa chất, vừa là nguồn thức ăn vô tận cho nuôi dê. Phân dê thải ra hàng ngày cũng chính là nguồn dinh dưỡng cho cây ăn quả. Đến nay, khu sản xuất có hơn 5.000 gốc ổi lê Đài Loan, 400 cây hồng xiêm, gần 1.400 cây bưởi, 500 cây mít... Tất cả đều cho quả nhiều năm với năng suất cao nhờ bón các loại phân bón hữu cơ và áp dụng phương pháp canh tác hiện đại. Những phụ phẩm trong trồng trọt đều phục vụ chăn nuôi, chất thải chăn nuôi thành phân bón cho trồng trọt. Toàn bộ trái cây hư hỏng, cành cây cắt tỉa bỏ đi đều được gom ủ thành mùn phục vụ trở lại sản xuất. Một khu trang trại tổng hợp rộng lớn nhưng không hề thải rác ra môi trường xung quanh.

Sản xuất nông nghiệp có sản phẩm chính và sản phẩm phụ, thường sản phẩm phụ bị bỏ đi gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên. Trong khi sản xuất tuần hoàn lại tận dụng được cả hai loại sản phẩm, không gây phát thải. Trong một thời gian hay không gian nhất định, có khi sản phẩm phụ còn mang lại giá trị cao hơn sản phẩm chính, mô hình trang trại của gia đình bà Nga là một minh chứng rõ nét nhất.

Tuy nhiên, để mô hình sản xuất tuần hoàn phát triển mạnh và nhân rộng cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như các ngành liên quan. Trước mắt, cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất, các doanh nghiệp về sự cần thiết cũng như ứng dụng, chuyển giao các quy trình kỹ thuật để tổ chức sản xuất tuần hoàn. Cơ quan Nhà nước cũng cần có những kích cầu, hỗ trợ chủ thể sản xuất các công nghệ, kỹ thuật để tổ chức các khâu sản xuất tuần hoàn. Đồng thời, làm cầu nối liên kết để tiêu thụ sản phẩm của các khâu sản xuất này một cách bền vững.

T. Duyệt