Bảo hiểm Xã hội huyện Hà Trung tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cho đội ngũ Báo cáo viên của các Đảng ủy, Chi ủy trực thuộc Huyện ủy, Báo cáo viên của Mặt trận tổ quốc và Đội ngũ báo cáo viên của các cơ quan, đoàn thể
Toàn huyện mới có 63.400 người (bằng 58% dân số) tham gia BHYT, trong khi toàn tỉnh đã có 72% dân số tham gia BHYT và phạm vi cả nước là 70% dân số tham gia BHYT (số liệu năm 2013). So với chỉ tiêu phát triển đối tượng Chủ tịch UBND huyện giao tại Quyết định 987/QĐ-BHXH thì đến năm 2015 toàn huyện phải đạt 76% dân số tham gia BHYT (tương đương 83.700 người tham gia BHYT). Như vậy từ nay đến cuối năm 2015, toàn huyện phải phấn đấu phát triển thêm được 20.300 người tham gia BHYT.
Sáng ngày 30/9/2014, Bảo hiểm Xã hội huyện Hà Trung phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức Hội nghị Báo cáo viên tháng 9/2014 và phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cho trên 60 đồng chí là Báo cáo viên của các Đảng ủy, Chi ủy trực thuộc Huyện ủy, Báo cáo viên của Mặt trận tổ quốc và Báo cáo viên của các cơ quan, đoàn thể cấp huyện. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Dũng – Huyện ủy viên, Chánh Văn phòng Huyện ủy; đồng chí Ngô Minh Cảnh - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị; các đồng chí trong Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ, viên chức Bảo hiểm Xã hội huyện Hà Trung.
Sau phát biểu khai mạc, theo sự phân công của Ban Tổ chức Hội nghị, đồng chí Lê Bá Hội - Giám đốc Bảo hiểm Xã hội huyện đã trực tiếp truyền đạt với Hội nghị những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trong đó tập trung nhấn mạnh những nội dung mới có tính đột phá mạnh mẽ để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, tạo cơ chế pháp lý bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và đảm bảo tính bền vững của quỹ BHYT, nhằm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, cụ thể:
Một là, BHYT là hình thức bắt buộc được áp dụng đối với tất cả các đối tượng, để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, không vì mục đích lợi nhuận và do nhà nước tổ chức thực hiện. Đây là một điểm mới thể hiện quyết tâm chính trị nhằm thúc đẩy thực hiện BHYT toàn dân theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị;
Hai là, khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình, khi tham gia BHYT theo hộ gia đình, người dân được hưởng BHYT với những lợi ích rất rõ ràng với cơ chế giảm dần mức đóng từ người thứ 2 trở đi (người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ 5 trở đi mức đóng bằng 40% của người thứ nhất);
Ba là, bổ sung nhiều quyền lợi của người tham gia BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách, cụ thể: Bỏ quy định cùng chi trả 5% với người nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; Bỏ quy định cùng chi trả 20% với thân nhân người có công là cha mẹ đẻ, hoặc vợ/chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; Giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân của người có công khác và người thuộc hộ gia đình cận nghèo; Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh (đây là quy định hết sức mới để bảo vệ, hỗ trợ người bệnh trước rủi ro tài chính); Mở rộng phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Bốn là, mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT theo lộ trình, từ 01/01/2016, mở thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh. Trường hợp người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ gia đình nghèo sinh sống ở vùng khó khăn, đặc biệt, huyện đảo, xã đảo có cơ chế được mở thông tuyến khám chữa bệnh từ xã, huyện, tỉnh lên Trung ương trên phạm vi cả nước. Từ 01/01/2021, mở thông tuyến khám, chữa bệnh ở các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.
Năm là, Quỹ BHYT quản lý tập trung, thống nhất ở cấp quốc gia để tập trung nguồn lực, điều tiết chung nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu chia sẻ rủi ro giữa các đối tượng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, do chưa có sự đồng đều về tỷ lệ tham gia BHYT và dịch vụ KCB giữa các tỉnh nên Luật cho phép các địa phương có kết dư quỹ BHYT được sử dụng 20% để hỗ trợ đối tượng tham gia BHYT, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng KCB BHYT. Từ ngày 01/01/2021, khi tỷ lệ tham gia BHYT của các địa phương đã ở mức cao, chất lượng dịch vụ y tế đã khá đồng đều, không còn sự khác biệt nhiều về kết dư hay bội chi quỹ BHYT giữa các tỉnh, sẽ thực hiện quản lý quỹ BHYT tập trung, thống nhất và điều tiết chung trong phạm vi cả nước.
Ngoài những điểm mới quan trọng nêu trên, để khắc phục những bất cập trong tổ chức thực hiện, Luật bổ sung đối tượng thuộc lực lượng quân đội và công an phải tham gia BHYT; bổ sung đối tượng được tổ chức Bảo hiểm Xã hội đóng BHYT là người mắc bệnh thuộc danh mục phải điều trị dài ngày, người từ đủ 80 tuổi trở lên đang được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; bổ sung quyền lợi đối với trẻ em dưới 6 tuổi được quỹ BHYT thanh toán điều trị lác, cận thị, tật khúc xạ của mắt và trong trường hợp đủ 72 tháng tuổi nhưng chưa đến kỳ nhập học thì thẻ có giá trị đến 30/9 của năm đó; sắp xếp 25 nhóm đối tượng theo quy định của Luật BHYT hiện hành thành 5 nhóm đối tượng theo trách nhiệm đóng. Đồng thời Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong tổ chức thực hiện, như: Trách nhiệm của Bộ lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong tổ chức triển khai thực hiện BHYT; trách nhiệm Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong việc kiểm tra, rà soát để tránh trùng thẻ BHYT, tổ chức để người dân có thể tiếp cận và đóng BHYT theo hộ gia đình được thuận lợi tại các địa bàn trên phạm vi cả nước và Giao trách nhiệm cho UBND cấp xã trong việc lập danh sách để cấp thẻ BHYT cho trẻ em đồng thời với việc cấp Giấy khai sinh.
Nhân hội nghị phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đồng chí Giám đốc đã thông tin đến Hội nghị về tình hình tham gia BHYT của huyện Hà Trung tính đến 30/8/2014 và nhấn mạnh: Toàn huyện mới có 63.400 người (bằng 58% dân số) tham gia BHYT, trong khi toàn tỉnh đã có 72% dân số tham gia BHYT và phạm vi cả nước là 70% dân số tham gia BHYT (số liệu năm 2013). So với chỉ tiêu phát triển đối tượng Chủ tịch UBND huyện giao tại Quyết định 987/QĐ-BHXH thì đến năm 2015 toàn huyện phải đạt 76% dân số tham gia BHYT (tương đương 83.700 người tham gia BHYT). Như vậy từ nay đến cuối năm 2015, toàn huyện phải phấn đấu phát triển thêm được 20.300 người tham gia BHYT. Về đối tượng hộ gia đình cận nghèo, cả huyện có 10.400 khẩu, đây là nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tới 70% mức đóng, Dự án y tế các tỉnh Bắc Trung bộ hỗ trợ từ 5-10% mức đóng và quyền lợi khám chữa bệnh BHYT theo Luật rất lớn, nhưng mới chỉ có 5.400 người tham gia BHYT, còn tới 5.000 người chưa tham gia, nhiều nhất là ở các xã Hà Bắc, Hà Bình, Hà Vinh, Hà Giang, Hà Phú… Việc người dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT còn thấp, đây sự thiệt thòi rất lớn đối với nhân dân và người lao động trên địa bàn huyện trong việc tiếp cận hệ thống chính sách an sinh xã hội, nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do công tác tuyên truyền, phổ biến, chỉ đạo và tổ chức triển khai chính sách BHYT trên địa bàn của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng liên quan chưa thực sự quan tâm và thường xuyên.
Kết thúc phần nội dung phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT, đồng chí Giám đốc Bảo hiểm Xã hội huyện Hà Trung đề nghị Đội ngũ Báo cáo viên, trên cơ sở nội dung được tiếp thu tại Hội nghị, sẽ đẩy mạnh công tác tuyền truyền, phổ biến chính sách BHYT tại các cơ quan, đơn vị và trên địa bàn xã nhà, chú trọng tuyên truyền, phổ biến về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ theo Luật BHYT để nhân dân và người lao động hiểu rõ bản chất, tính ưu việt của chính sách BHYT mà tự giác, tích cực tham gia BHYT, nhằm đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và an sinh xã hội bền vững trên địa bàn huyện.
Thế Hải – PGĐ BHXH huyện Hà Trung