Nhân Kỷ niệm 59 năm ngày Đò Lèn chiến thắng (3, 4/4/1965 - 3,4/4/2023) chúng tôi xin giới thiệu bài viết: "Mốc son Đò Lèn Chiến thắng"
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cầu Đò Lèn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trên tuyến đường giao thông huyết mạch Bắc - Nam. Chính vì vậy, khu vực Đò Lèn với diện tích chưa đầy 3 km2 là mục tiêu trọng điểm bắn phá của đế quốc Mỹ khi xâm phạm bầu trời Thanh Hóa.
![](/portal/Photos/2024-04/4073973af1c0161dz5311965510533_3bbf26ee2b1b998c381146cc5537dd5b.jpg)
Cầu Đò Lèn trên con đường huyết mạch Bắc – Nam
Do có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, Đò Lèn đã trở thành mục tiêu trọng điểm bắn phá của đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, cũng ngay tại Đò Lèn, không quân Mỹ đã vấp phải sự kháng cự kiên cường của quân và dân Hà Trung. Ngay trong 2 ngày đầu tiên của cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Đò Lèn (mùng 3 và 4/4/1965), quân và dân Hà Trung đã bắn rơi 12 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ, góp phần chia lửa với Hàm Rồng, cùng quân dân Thanh Hoá lập nên những chiến công hiển hách. Nhiều tấm gương chiến đấu và hy sinh oanh liệt đã đi vào lịch sử trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
![](/portal/Photos/2024-04/992b5ab2d2a9794dz5311965504751_c1e65e54c5ce8bf2f9ca0b64125e1471.jpg)
Gác chuông chùa Trần nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Hà Trung
Tháng 10-1930, Chi bộ Đảng Cộng sản của Hà Trung chính thức được thành lập tại gác chuông chùa Trần (cách cầu Đò Lèn 400m). Sau khi ra đời, các đảng viên cộng sản đầu tiên của Hà Trung đã tổ chức một cuộc rải truyền đơn ở các địa điểm đông người qua lại để phát huy thanh thế của Đảng và cách mạng. Khu vực cầu Lèn, nhà ga và trường tiểu học Pháp - Việt đã xuất hiện rất nhiều truyền đơn cách mạng. Cuộc rải truyền đơn đã có tác dụng gây được tiếng vang lớn trong quần chúng. Từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân Hà Trung đã có Đảng trực tiếp soi đường, chỉ lối.
![](/portal/Photos/2024-04/99d67301cae5dedz5311965551126_0e1a5addd09027837f2f6679a0ff9418.jpg)
Cây cầu huyền thoại
Cuối năm 1946, đầu năm 1947, để thực hiện việc tiêu thổ kháng chiến ngăn bước tiến quân thù, cầu Lèn đã bị phá sập. Sau hòa bình lập lại, với sự giúp đỡ của chuyên gia các nước anh em, cầu Lèn đã nhanh chóng được xây dựng lại to đẹp hơn. Từ đó trở đi, cầu Lèn trở thành một trong số những đầu mối giao thông quan trọng trên Quốc lộ 1A. Trên tuyến đường vào Nam, ra Bắc, cái tên cầu Đò Lèn và cả khu vực Lèn đã trở thành một địa chỉ rất quen thuộc của mỗi người dân. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với chiến công bảo vệ chiếc cầu sắt và quyết tâm đảm bảo cho giao thông thông suốt, cái tên cầu Lèn lại càng nổi tiếng hơn.
Ngày 3 và 4-4-1965, giặc Mỹ tập trung máy bay đánh phá khu vực Đò Lèn, sau đó là Hàm Rồng hòng cắt đứt con đường tiếp tế và phân tán lực lượng của quân và dân ta. Sáng ngày 3-4-1965, từng tốp máy bay Mỹ từ phía biển xuất hiện, gầm rú như xé nát bầu trời, trong chốc nhát bổ nhào ném bom đánh phá dữ dội khu vực cầu Đò Lèn. Nhằm bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng điểm, tại trận địa, quân và dân các xã Hà Phong, Hà Lâm, Hà Ngọc (Hà Trung), Đại Lộc, Đồng Lộc (Hậu Lộc) và tự vệ ga Đò Lèn đã phối hợp với bộ đội pháo cao xạ nhanh chóng hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu dũng cảm với máy bay Mỹ. Cả khu vực Đò Lèn và trận địa dân quân tự vệ ngập chìm trong khói lửa đạn bom, nhiều đoạn công sự bị phá vỡ, một số chiến sĩ hy sinh và bị thương ngay trên mâm pháo. Dân quân tự vệ các xã Hà Ngọc, Hà Phong, Hà Lâm, tự vệ cơ quan bách hóa, thực phẩm, cơ khí đã lao ra trận địa tiếp đạn, cứu chữa thương binh, thay thế pháo thủ chiến đấu. Trong trận này một máy bay Mỹ đã bị bắn rơi.
Không đầy nửa giờ đồng hồ sau đó, hàng chục máy bay Mỹ lại gầm rít trên bầu trời Đò Lèn, trút hàng loạt bom đánh phá nơi đây. Một lần nữa mặt đất, bầu trời khu vực Đò Lèn lại rung chuyển, khói bom, lửa đạn mù mịt... Lần này, máy bay địch không chỉ vấp phải sức mạnh bão lửa của pháo phòng không tầm cao, súng bộ binh tầm thấp bủa vây mà còn gặp phải sự phản kích của không quân Việt Nam nên một máy bay nữa của địch bị bắn cháy... Khoảng 10 giờ sáng ngày 3-4, Mỹ phải chấm dứt tấn công khu vực Đò Lèn. Từ kinh nghiệm chiến đấu trận đầu, quân và dân Hà Trung đã tiếp tục chiến đấu quả cảm trong trận oanh tạc lần thứ 2 của không quân Mỹ vào ngày 4-4-1965. Lúc bấy giờ, Mỹ điên cuồng huy động nhiều máy bay hiện đại nhất, chia thành từng tốp, từng đợt trút hàng trăm, hàng nghìn tấn bom xuống Hàm Rồng, Đò Lèn và các vùng phụ cận. Tại khu vực Đò Lèn, bầu trời ầm ầm rung chuyển nhưng trên các trận địa pháo vẫn nghe rõ khẩu lệnh “bắn” vang lên đanh thép của người chỉ huy, các pháo thủ trên mâm pháo vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu bám chặt mục tiêu, trút lửa đạn vào kẻ thù để huyết mạch giao thông cầu Đò Lèn được giữ vững, thông suốt. Trong 2 ngày chiến đấu dũng cảm, quân và dân Hà Trung không những chia lửa với quân và dân Hàm Rồng, quân và dân Phà Ghép mà còn bắn rơi 12 máy bay, bắt sống một giặc lái Mỹ.
![](/portal/Photos/2024-04/6f50fef3b656dd4dz5311965533164_2d4766c5273172da5e8e99fad622efad.jpg)
![](/portal/Photos/2024-04/84fe82eeaadc01ddz5311965526032_d619e3649bd8fe67e24e199f4365284d.jpg)
Khu dân cư khu vực cầu Đò Lèn thời nay
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ hơn nửa thế kỷ, nhưng âm hưởng Đò Lèn chiến thắng vẫn còn vang vọng đến hôm nay. Đò Lèn chiến thắng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lòng yêu nước, yêu quê hương, tinh thần quả cảm, không tiếc máu xương, quyết chiến và quyết thắng của quân và dân ta. Đò Lèn chiến thắng mãi mãi là mốc son lịch sử hào hùng, là khúc tráng ca bất hủ và là niềm tự hào cho muôn đời thế hệ mai sau. Ngày nay, trên con đường đổi mới, với sức vươn của một vùng đất kiên cường, anh dũng trong chiến tranh, Đò Lèn ngày càng sầm uất, giàu đẹp, xứng đáng với những chiến công oanh liệt, hào hùng trong lịch sử.